Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Bắc Giang trước mùa mưa bão đến. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã triển khai đợt kiểm tra toàn diện các phương tiện, bến bãi trên hai tuyến sông Lục Nam, sông Thương để kịp thời chấn chỉnh, chủ động phương án phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn.
Tỉnh Bắc Giang được giao quản lý 118 km đường sông, thuộc tuyến sông Thương và sông Lục Nam. Hệ thống sông của tỉnh tiếp nối với hệ thống sông Thái Bình ra các cảng lớn ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Ðây là tuyến vận tải thủy quan trọng đưa hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu cho các tỉnh miền núi, trung du vùng Ðông Bắc. Hằng ngày có hàng trăm phương tiện thủy lưu thông. Những năm trước, đây là tuyến đường thủy nội địa có nhiều tệ nạn phức tạp. Trên tuyến đường thủy nội địa còn 30 bến đò ngang, một bến phà. Các tuyến sông ở Bắc Giang lại tiếp giáp đầu nguồn, có độ dốc lớn cho nên mùa mưa bão thường xảy ra lũ quét, nước dâng cao nhanh, dòng chảy xiết rất nguy hiểm.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và tính chất phức tạp, nguy hiểm của hệ thống đường thủy nội địa, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có sự chỉ đạo sát sao công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Trong hai năm 2007 - 2008, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Không chủ quan trước những kết quả đạt được năm qua, ngay từ đầu năm, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ Công an, Ban ATGT Trung ương, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Ban ATGT các cấp, phối hợp lực lượng công an mở đợt tổng kiểm tra phương tiện, bến bãi. Chỉ thị của UBND tỉnh còn phân cấp cụ thể cho chủ tịch UBND huyện, thành phố trực tiếp quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn địa phương. Nơi nào để tai nạn đường thủy do phương tiện đò ngang chở quá người, phương tiện cũ nát gây chết người, Chủ tịch UBND xã sẽ bị đình chỉ công tác, Chủ tịch UBND huyện sẽ bị kỷ luật tùy mức lỗi nặng nhẹ.
Thượng tá Lê Hồng Truyền, Phó phòng CSGT-TT Công an tỉnh cho biết: Qua đợt kiểm tra đầu năm, toàn tỉnh hiện có 1.172 phương tiện thủy nội địa, trong đó có tới 538 phương tiện chưa đăng ký, 491 phương tiện chưa qua đăng kiểm. Số thuyền trưởng phải có bằng là 449 người, nhưng 335 người chưa có bằng lái tàu, thuyền. Số người lái thuyền, đò ngang phải có chứng chỉ chuyên môn là 258 người, nhưng chỉ có 30 người có chứng chỉ chuyên môn. Qua kiểm tra 30 bến đò ngang, đã xử lý 14 trường hợp không đủ giấy tờ theo quy định, 16 trường hợp thiếu thiết bị an toàn, 22 trường hợp lái thuyền không có chứng chỉ chuyên môn, 18 bến tự phát, không có giấy phép. Mặc dù năm 2008, giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn, không có vụ phạm pháp hình sự nào, nhưng những số liệu thực tế qua kiểm tra cho thấy, giao thông đường thủy nội địa ở tỉnh Bắc Giang vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn.
Ðể sớm chấn chỉnh những vướng mắc, yếu kém, chủ động phòng, chống tai nạn khi mùa mưa bão tới, Phòng CSGT-TT Công an tỉnh đã phối hợp Sở Giao thông vận tải triển khai việc đăng ký, đăng kiểm cho toàn bộ số phương tiện thủy nội địa trên địa bàn. Sở Giao thông vận tải kiểm tra, yêu cầu chủ phương tiện phải tạo điều kiện cho người lái phương tiện thủy đi học để được cấp bằng. Riêng những người lái đò ngang hiện nay hầu hết chưa có chứng chỉ chuyên môn. Phần lớn những người lái đò ngang do xã, thôn cử là người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc người cô đơn, tàn tật không có điều kiện lao động. Một số bến đò ngang lại thay người thường xuyên cho nên việc đào tạo chuyên môn rất khó. Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng CSGT-TT đến từng xã nắm danh sách người lái đò ngang làm bản cam kết với chính quyền xã, thôn có trách nhiệm quản lý, bảo đảm an toàn các bến đò ngang. Công an tỉnh còn phối hợp Ban ATGT tỉnh tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Luật Giao thông đường thủy nội địa" với hình thức sân khấu hóa. Cuộc thi đã được chín huyện, thành phố cử đội tuyển tham gia, chương trình được phát trên truyền hình tỉnh để người dân theo dõi. Các huyện còn tổ chức các nhóm chủ phương tiện vận tải thủy ký cam kết không vi phạm luật lệ giao thông đường thủy nội địa.
CÙNG với việc tuyên truyền, giáo dục, công tác kiểm tra của các lực lượng vẫn được duy trì thường xuyên. Tôi đến với đội CSGT-TT đường thủy đang đứng chân ở dưới ngã ba Nhãn, nơi sông Thương và sông Lục Nam gặp nhau đổ ra Lục Ðầu. Ðội chỉ có năm cán bộ, chiến sĩ, quản lý 118 km đường sông và 30 bến đò ngang với hàng nghìn phương tiện thủy đi lại trên tuyến sông. Ðội trưởng Hoàng Chín chỉ chiếc phà cũ được lợp mái nơi sinh hoạt, ăn uống của đội, bảo tôi: Cơ ngơi của chúng tôi đấy, suốt tháng, suốt năm lênh đênh trên sông nước. Mùa nắng, mưa bão cũng khổ, mà mùa rét giá lạnh càng khổ hơn. Anh cười, nói tiếp: Nhưng anh yên tâm chế độ trực ban, kế hoạch kiểm tra vẫn được duy trì nghiêm túc. Trong hai tháng đầu quý I-2009, đội tuần tra lập biên bản xử lý 187 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy, thu tiền phạt nộp ngân sách 58 triệu đồng. Theo đội trưởng Chín, khi kiểm tra các bến đò ngang nổi lên hiện tượng là đò nào cũng có phao và áo phao, nhưng khách qua sông không chịu mặc, phao cứu sinh thì cột chặt vào mạn thuyền, khi gặp tai nạn việc xử lý cứu hộ rất khó. Ðội cũng đang kiến nghị các cấp có thẩm quyền lập bến đỗ nội địa trên các tuyến sông để neo đậu các thuyền vi phạm chờ xử lý như các bãi giữ xe vi phạm trên bộ.
nhandan.com.vn