Thực hiện Dự án giao thông nông thôn 2 (dự án WB2), tỉnh Hưng Yên được đầu tư nâng cấp, cải tạo 340 km đường nông thôn và 928 m cầu, với tổng vốn đầu tư 108 tỷ đồng, thi công từ năm 2001 đến năm 2006. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn này hiện đã xuống cấp, rất cần được tỉnh đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo.
Thực hiện Dự án giao thông nông thôn 2 (dự án WB2), tỉnh Hưng Yên được đầu tư nâng cấp, cải tạo 340 km đường nông thôn và 928 m cầu, với tổng vốn đầu tư 108 tỷ đồng, thi công từ năm 2001 đến năm 2006. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn này hiện đã xuống cấp, rất cần được tỉnh đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo.
Từ vài năm nay, người dân xã Quảng Lãng (Ân Thi, Hưng Yên) rất vất vả khi qua con đường rải đá cấp phối về thôn Bình Cầu. Người dân địa phương đã quen với cảnh đường vừa xóc, vừa trơn khi trời đổ mưa, nhiều lần kiến nghị tỉnh, huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo con đường này, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân thôn Bình Cầu bức xúc: "Khi thi công con đường, bà con phấn khởi lắm, cứ tưởng là đường nhựa, nhưng thực tế chỉ rải cấp phối bằng đá cộn, đá thải. Người dân có hỏi thì đơn vị thi công bảo tỉnh làm gì có tiền để đổ bê-tông hoặc nhựa, chỉ làm tạm đường để bà con đi lại thôi. Giờ thì con đường nham nhở, cả người đi bộ hay đi xe máy, ô-tô đều khổ".
Ông Nguyễn Văn Khoát ở đội 7, thôn Nghĩa Vũ, xã Minh Tân (Phù Cừ) kể: "Năm 2004, Nhà nước đầu tư nâng cấp con đường này dài 1,5 km, rải đá cấp phối. Từ đó, con đường này đã trở thành đường trục chính của thôn, đi lại rất thuận tiện. Nhưng chỉ sau một thời gian, xe vận tải chở nông sản, vật liệu xây dựng chạy nhiều đã làm hỏng đường. Nhiều lần thôn, xã bàn phương án làm đường bê-tông, huy động vốn từ nhân dân nhưng chưa được do đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn". Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân Dương Văn Hải cho hay: "Ðường dự án WB2 cũng chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại đơn giản của người dân. Nhưng thực tế, nhiều phương tiện quá tải, nhất là xe tải chở vật liệu xây dựng chạy nhiều quá đã làm hỏng đường. Bên cạnh đó, xã cũng thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng con đường này".
Chúng tôi về xã Cương Chính, xã khó khăn của huyện Tiên Lữ. Qua khảo sát, các tuyến đường WB2 trên địa bàn xã đều đã xuống cấp. Dự án WB2 đã đầu tư nâng cấp 4,7 km đường thuộc các thôn Bái Khê, An Tào, Ðặng Xá. Chủ tịch UBND xã Cương Chính Phạm Thanh Tuấn cho biết: "Từ khi những tuyến đường trong xã được đầu tư nâng cấp, mở rộng thì việc đi lại, mua bán nông sản, hàng hóa trong vùng thuận lợi hơn. Dự án WB2 đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất lớn cho nhân dân trong xã. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, các tuyến đường này đã bị xuống cấp. Nhiều lần cấp ủy, chính quyền xã và các thôn đã bàn đến việc tiếp tục đầu tư nâng cấp mặt đường nhưng "lực bất tòng tâm" bởi nguồn ngân sách của địa phương còn eo hẹp, thu không đủ chi. Việc huy động vốn trong dân thì không ổn, do kinh tế còn khó khăn, phương án thu tiền làm đường còn có những điểm chưa hợp lý, dân chưa đồng tình". Trước thực trạng các tuyến đường WB2 xuống cấp, cuối năm 2008, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư kinh phí để đổ bê-tông con đường ở thôn Ðặng Xá dài 1,6 km. Nhân dân trong thôn bỏ công sức làm rãnh thoát nước. Từ ngày con đường được cứng hóa, bộ mặt nông thôn ở đây thay đổi, nhân dân phấn khởi, việc đi lại thuận tiện hơn.
Theo Ban quản lý các dự án giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên), từ năm 2001 đến năm 2006, dự án WB2 đã đầu tư 108 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo 340 km đường nông thôn và 928 m cầu; trong đó, có hơn 34 km đã đổ bê-tông hoặc nhựa), hơn 305 km được rải đá dăm hoặc cấp phối. Ðánh giá về nguyên nhân việc các tuyến đường WB2 xuống cấp, Trưởng ban quản lý các dự án giao thông tỉnh Hưng Yên Lê Xuân Mộc cho rằng: "Mục tiêu của dự án WB2 là đáp ứng nhu cầu đi lại tối thiểu của người dân nông thôn. Với suất đầu tư thấp (11-14 nghìn USD/1 km đường), cho nên chất lượng các tuyến đường còn hạn chế. Trong khi đó, các con đường này phải "gồng mình" chịu đựng các phương tiện quá tải đi lại nhiều. Chính quyền địa phương thì thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Vì vậy, các tuyến đường WB2 nếu không được đầu tư nâng cấp, cải tạo thì sẽ xuống cấp nghiêm trọng. UBND tỉnh cần sớm đầu tư kinh phí để nâng cấp các tuyến đường nông thôn đã xuống cấp".
Hưng Yên nằm trong 40 tỉnh, thành phố triển khai Dự án giao thông nông thôn 2, từ năm 2001 đến năm 2006, bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB). Triển khai dự án này, một số địa phương đã đầu tư kinh phí để cứng hóa mặt đường (đổ bê-tông hoặc nhựa). Vì vậy, các tuyến đường sau khi được cứng hóa đã phát huy hiệu quả cao. Từ năm 2001, tỉnh Hưng Yên đã có chủ trương nâng cấp các tuyến đường WB2 theo hướng đổ bê-tông hoặc nhựa đường. Ðến hết năm 2008, UBND tỉnh Hưng Yên đã đầu tư hơn 91 tỷ đồng để cứng hóa hơn 163 km; trong đó, có hơn 122 km đã thi công xong, hơn 11 km đang thi công, gần 30 km đã duyệt nhưng chưa có kinh phí. Hiện trên địa bàn tỉnh còn gần 142 km đường WB2 chưa được cứng hóa. Trước tình trạng các tuyến đường WB2 xuống cấp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Bật Khách cho rằng: "Năm nay, tỉnh chưa bố trí ngân sách để đầu tư cứng hóa các tuyến đường này. Trong thời gian tới, khi có nguồn vốn từ trung ương, UBND tỉnh sẽ bố trí kinh phí để đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn đã xuống cấp".
Từ năm 2008, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt để án phát triển giao thông nông thôn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2008 đến năm 2010, tỉnh sẽ nâng cấp, cải tạo hơn 1.581 km đường giao thông nông thôn và xây mới, nâng cấp khoảng 300 m cầu. Tỉnh thực hiện cơ chế: hỗ trợ 50% kinh phí đối với đường xã, 30% đối với đường thôn; phần kinh phí còn lại do ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp. Nhưng thực tế, việc huy động kinh phí đầu tư đề án này rất khó khăn, nhất là đối với việc huy động nguồn vốn đóng góp trong dân. Từ thực trạng các tuyến đường WB2 đang xuống cấp, tỉnh Hưng Yên cần quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến đường này. Việc đầu tư kinh phí để cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn còn góp phần kích cầu theo chủ trương của Chính phủ.
KH (Tổng hợp)