Thái Nguyên tăng cường xây dựng CSHT giao thông nông thôn

Thứ tư, 15/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên diện mạo xã Sơn Cẩm (Phú Lương - Thái Nguyên) có nhiều đổi khác. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hiện Sơn Cẩm còn mạng lưới giao thông nông thôn chưa được cải thiện, đa phần là đường đất, gây trở ngại cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên diện mạo xã Sơn Cẩm (Phú Lương - Thái Nguyên) có nhiều đổi khác. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hiện Sơn Cẩm còn mạng lưới giao thông nông thôn chưa được cải thiện, đa phần là đường đất, gây trở ngại cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bà Lê Thuý Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm cho biết: Sơn Cẩm có một số cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn như: Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Cao đẳng nghề Việt Bắc, Mỏ than Khánh Hoà, Trại tạm giam Thái Nguyên… nên người dân địa phương được hưởng lợi trên 8 km đường nhựa, bê tông do các cơ quan, đơn vị này đầu tư xây dựng. Năm 2008, xã lại được Nhà nước đầu tư thêm đường liên xã Sơn Cẩm – Vô Tranh dài trên 6 km, vốn đầu tư 7,6 tỷ đồng. Còn lại trên 80 km đường liên thôn, xóm thì cơ bản vẫn là những con đường đất, gập ghềnh khó đi. Từ trước đến nay, Sơn Cẩm chưa được hưởng cơ chế đối ứng Nhà nước và nhân dân cùng làm như các địa phương khác nên chúng tôi chỉ còn cách vận động nhân dân duy tu, sửa chữa thường xuyên trong các đợt diễn tập ZT hàng năm để cải thiện phần nào đó nhu cầu đi lại của nhân dân.
Cùng chúng tôi đi trên con đường của xóm, đồng chí Nguyễn Đức Thuần, Bí thư chi bộ xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm cho biết: Đồng Xe hiện có 220 hộ dân. Nhiều năm nay, trên 5 km đường dẫn tới nhà các hộ dân trong xóm đều trong tình trạng “mưa thì lầy lội, nắng tung bụi mù”, các hộ dân trong xóm đều muốn chung tay góp sức đổ bê tông con đường để cho việc đi lại được thuận tiện hơn. Dự toán thiết kế con đường đã được xây dựng và lên kế hoạch nhưng do mức đóng góp cao quá nên đến giờ phút này, con đường của xóm vẫn chưa được cứng hoá. Đồng Xe hiện có 35 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, 18 ha đất trồng 2 vụ, còn lại 17 ha đất chỉ trồng 1 vụ. Với đặc điểm loại đất canh tác nơi đây, trên mặt là phù sa, phía dưới lại là cát nên không giữ được nước. Bơm hôm nay, 3 ngày sau đã cạn, người dân phải đầu tư chi phí cho việc bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp khá lớn, thu nhập từ đồng ruộng lại không cao nên đời sống đa phần của người dân nơi đây còn nghèo. Hàng năm, nhân dân trong xóm vẫn phải đóng góp trên 10 triệu đồng để tu sửa đường. Con đường này chỉ được cứng hoá khi có sự hỗ trợ của Nhà nước chứ để nhân dân tự làm thì chắc là chẳng bao giờ chúng tôi làm được.
Qua tìm hiểu thực tế tại một số xóm ở xã Sơn Cẩm như Đồng Gianh, Bến Giềng, Cao Sơn, xóm 8… chúng tôi nhận thấy đa phần người dân đều mong muốn có sự hỗ trợ của Nhà nước với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để thay thế những con đường đất hiện nay. Trong khi chờ đợi, một số xóm đã tự lực làm những mét đường bê tông đầu tiên ở Sơn Cẩm. Có mặt tại xóm 6, ông Phạm Việt Hoà, Trưởng xóm vui mừng khoe: Chúng tôi vừa hoàn thành đổ đường bê tông trên 400 m đầu tiên của xóm. Cũng gian nan nhưng nhờ công khai dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên được các hộ dân nhiệt tình ủng hộ. Đầu tiên, xóm thu 60 nghìn đồng/hộ để mua nguyên liệu xây kè, tiếp đó thu 50 nghìn đồng/khẩu mua bê tông về đổ đường. Xóm có trên 300 hộ, chỉ có 45 hộ làm ruộng còn lại là cán bộ, công nhân viên chức, hưu trí nên việc huy động sức dân đóng góp cũng phần nào thuận lợi. Sau khi hoàn thành trên 400 m đường bê tông trị giá trên 100 triệu đồng này, năm 2009, xóm tôi dự kiến làm tiếp 300 m đường liên thôn, còn 2.000 m nữa sẽ tiếp tục làm trong những năm tiếp theo.
Còn ở Tổ nhân dân số 1 và Tổ nhân dân số 2 thuộc xóm 7 thì nhân dân lại làm đường theo cách khác. Sau khi lập dự toán thiết kế con đường, các bác tổ trưởng nhân dân, bí thư chi bộ đã thông qua trước dân để nhân dân biết và đồng tình ủng hộ. Sau khi tính toán, căn cứ vào tình hình thực tế, Tổ 1 thu bình quân 800 nghìn đồng/khẩu; Tổ 2 đóng góp trên 400 nghìn đồng/khẩu để làm đường. Với những mức đóng cao thế này có hộ phải nộp đến 6 triệu đồng nhưng nhân dân vẫn vui vẻ, không phàn nàn vì đây là việc chung của tổ nhân dân. Mức đóng cao, người dân chưa có tiền ngay để nộp, người dân nhất trí “vay tiền ngân hàng để làm đường”. Gần 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện được Tổ 1 và Tổ 2 vay để làm những con đường bê tông theo cách đó. Bằng nhiều cách làm khác nhau, hiện Sơn Cẩm đã có 5 km đường bê tông liên xóm do 100% nhân dân tự làm. Những con đường này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hoá, tạo bước chuyển tích cực trong khu vực nông thôn.
Chia tay với chúng tôi, bà Lê Thuý Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm thông tin: Năm 2009 này, chúng tôi nhận được chủ trương làm đường bê tông với cơ chế đối ứng Nhà nước 60%, nhân dân 40%. Xã hiện đang cho các xóm thống kê và gửi đăng ký lên. Hy vọng với sự hỗ trợ này, Sơn Cẩm sẽ có nhiều con đường bê tông xuất hiện, góp phần đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
KH (Tổng hợp)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)