Quý I-2009, toàn tỉnh Ninh Bình đã xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông, làm chết 29 người, bị thương 11 người; so với quý I/2008, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) tăng 1 vụ, giảm 1 người chết và tăng 1 người bị thương.
Quý I-2009, toàn tỉnh Ninh Bình đã xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông, làm chết 29 người, bị thương 11 người; so với quý I/2008, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) tăng 1 vụ, giảm 1 người chết và tăng 1 người bị thương.
Trong các vụ tai nạn có 3 vụ TNGT đường sắt, 15 vụ xảy ra trên Quốc lộ 1A, còn lại là các vụ ở các tuyến đường khác của tỉnh. Tình hình tai nạn giao thông quý I còn có nhiều diễn biến phức tạp trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Đáng chú ý là tình trạng người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có chiều hướng gia tăng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trên địa bàn thị xã Tam Điệp, khu vực ngã ba Anh Trỗi (Nho Quan) và tuyến đường 12B nhiều xe tải chạy quá tốc độ, chở quá tải, không che phủ kín bạt làm rơi vãi đất, đá ra đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Ý thức chấp hành của người tham gia giao thông chưa thật nghiêm. Tình trạng người điều khiển phương tiện cố tình vượt đèn đỏ, không chấp hành mệnh lệnh của cảnh sát giao thông vẫn còn diễn ra.
Tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A thường xảy ra, nhất là những ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần. Một số hộ dân sống ven đường sắt tái lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Một số đường ngang không có rào chắn, không có hệ thống cảnh báo tự động; hình thành các điểm đen về TNGT.
Tình trạng đò ngang không đủ điều kiện an toàn: Đò chở người thiếu phao cứu sinh, người điều khiển đò không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không được kiểm định... nhưng vẫn hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 46 bến đò với 69 đò đang hoạt động thì có tới 18 bến đò, 37 đò không đủ điều kiện hoạt động.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, lực lượng công an tỉnh đã phối kết hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền cho người tham gia giao thông. Đã tổ chức 225 lượt tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô đến các xã, phường, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh đến tận các thôn, xóm, khu phố, bản làng thông báo về tình hình TNGT, pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nhân dân biết, nâng cao ý thức chấp hành.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát 113 tăng cường phối kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác xử lý kịp thời các vụ TNGT, giải quyết nhanh tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường. Thực trạng trên đòi hỏi lực lượng công an cần tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo TTATGT.
Các giải pháp để đảm bảo TTATGT, trong thời gian tới, thành phố Ninh Bình cần tăng cường hơn nữa lực lượng thanh tra, trật tự đô thị đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông tại các cửa hàng ăn sáng, nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ, khu vực bệnh viện... Giải quyết dứt điểm tình trạng người dân đổ vật liệu xây dựng bừa bãi gây cản trở giao thông.
Đối với thị xã Tam Điệp, khẩn trương hoàn thành việc mở đường gom, không để người dân đi tắt qua đường tàu, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nơi có đường sắt đi qua chấp hành nghiêm các quy định về ATGT đường sắt. Triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh về việc khắc phục tình trạng ô tô của các doanh nghiệp vận tải chở vật liệu xây dựng chạy quá tốc độ, làm rơi vãi đất đá ra đường.
Đối với ngành Giao thông vận tải, chủ động tiến hành khắc phục nhanh những điểm đen trên tuyến giao thông đường sắt. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh tiến hành khảo sát về tổ chức giao thông trên các tuyến Quốc lộ theo kế hoạch của Bộ Công an. Đôn đốc các nhà thầu khẩn trương hoàn thành các đoạn đường đang thi công trên tuyến Quốc lộ 1A, không để xảy ra ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đón, trả khách không đúng nơi quy định, không để xảy ra tình trạng bến cóc, xe dù. Lắp bổ sung biển báo chỉ dẫn ở các khu du lịch nơi có đông các phương tiện tham gia giao thông.
Ngành Văn hóa - Thông tin và Du lịch có kế hoạch tuyên truyền về công tác đảm bảo TTATGT theo đề án 3 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các cơ quan tuyên truyền phối kết hợp tốt với ngành Công an và các ngành khác đổi mới các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để mọi người dân tích cực tham gia, hưởng ứng, chấp hành tốt pháp luật về TTATGT.
Ngành Công an cũng xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm 1 tháng đảm bảo TTATGT nhằm hạn chế tối đa các vụ TNGT và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh.
ĐTH