Công an xã, thị trấn tỉnh Thanh Hóa: Tham gia công tác giữ gìn trật tự ATGT

Thứ tư, 20/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo thống kê, hàng năm trên điạ bàn tỉnh Thanh Hóa, số vụ va chạm và TNGT ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 35%, đáng chú ý là tình trạng người điều khiển phương tiện thuộc khu vực nông thôn tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, vi phạm TTATGT và bị tai nạn chiếm tỷ lệ cao, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo thống kê, hàng năm trên điạ bàn tỉnh Thanh Hóa, số vụ va chạm và TNGT ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 35%, đáng chú ý là tình trạng người điều khiển phương tiện thuộc khu vực nông thôn tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, vi phạm TTATGT và bị tai nạn chiếm tỷ lệ cao, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng.

Với mục tiêu xã hội hóa công tác đảm bảo TTATGT, phát huy vai trò to lớn của lực lượng công an xã, thị trấn trong công tác đảm bảo TTATGT, góp phần quan trọng làm giảm vi phạm và TNGT trên địa bàn tỉnh. Sau khi xin chủ trương chỉ đạo của Bộ Công an và Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 09/11/2006, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã ban hành hướng dẫn số 144/PV11 (PX28) về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Công an xã, thị trấn. Sau khi tổ chức tập huấn, Công an tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh cấp quần áo đồng phục, trang bị cho Công an xã, thị trấn 7500 chiếc còi, 1230 gậy chỉ huy giao thông, hàng chục nghìn cuốn biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương còn đầu tư thêm kinh phí mua sắm mũ bảo hiểm, băng đeo tay và các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an xã, thị trấn thi hành nhiệm vụ. Công an tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định chế độ thu, nộp, thanh toán, quyết toán và sử dụng tiền xử phạt vi phạm TTATGT của Công an xã, thị trấn. Trong đó, trích 100% tiền phạt này phục vụ cho công tác đảm bảo TTATGT của Công an xã, thị trấn tại cơ sở.

Trong quá trình triển khai, để tránh sai sót, Công an tỉnh đã chọn 7 đơn vị gồm các huyện: Nông Cống, Đông Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa để triển khai thí điểm, mỗi đơn vị huyện, thị, thành phố đều chọn từ 2 đến 4 xã, thị trấn để chỉ đạo thí điểm, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm rồi mới triển khai ra diện rộng. Để tránh sự lúng túng, khó khăn ban đầu, Công an tỉnh đã giao cho lực lượng CSGT Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường xuống cơ sở phối hợp, trực tiếp hướng dẫn lực lượng Công an xã, thị trấn thực thi nhiệm vụ. Nhờ đó, lực lượng Công an xã, thị trấn đã nhanh chóng làm quen công việc, không để xảy ra các sai sót lớn trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT.

Sau gần 2 năm triển khai, lực lượng Công an xã, thị trấn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT trong các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều nội dung và hình thức phù hợp, sáng tạo như qua hệ thống loa truyền thanh của xã, tổ chức họp dân để phổ biến, tuyên truyền, cấp phát tờ rơi đến tận hộ gia đình, phối hợp với các đoàn thể xã hội như Phụ nữ, Thanh niên, Cựu Chiến binh tổ chức cho nhân dân ký cam kết không vi phạm TTATGT... Trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT, lực lượng Công an xã, thị trấn đã huy động trên 18 nghìn lượt Công an viên tham gia kiểm tra, xử lý trên 32 nghìn trường hợp, trong đó, phạt tiền trên 14 nghìn trường hợp với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt là qua công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng Công an xã, thị trấn đã phối hợp với thanh tra giao thông và các lực lượng khác quản lý, đưa vào nền nếp hoạt động của gần 200 bến xe khách tư nhân, quản lý chặt chẽ xe khách ngay từ khi xuất bến, không để xảy ra tình trạng nhồi nhét khách, tranh giành khách gây mất ANTT ở địa phương. Bên cạnh đó Công an xã, thị trấn còn giải tỏa hàng trăm tụ điểm phức tạp về TTATGT, tháo gỡ mái che, biển quảng cáo, phơi rơm rạ, đổ vật liệu lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông. Do làm tốt công tác đảm bảo TTATGT khu vực nông thôn đã có tác động tích cực đến ATGT trên địa bàn tỉnh. Năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, tình hình vi phạm và TNGT trên địa bàn Thanh Hóa giảm cả 3 mặt,

Tuy nhiên, quá trình triển khai hướng dẫn Công an xã, thị trấn xử lý vi phạm hành chính về TTATGT cũng còn những hạn chế, tồn tại, vướng mắc đó là: Một số địa phương, đặc biệt là địa bàn miền núi, cấp ủy, chính quyền chưa vào cuộc mạnh mẽ, lực lượng Công an xã, thị trấn vừa thiếu lại vừa yếu, do đó công tác triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, do nhận thức của Công an xã, thị trấn chưa đầy đủ, trình độ năng lực không đồng đều, còn nể nang, né tránh, cá biệt bước đầu có nơi Công an xã, thị trấn lập chốt kiểm tra, nhiều xã còn triển khai lực lượng kiểm tra xử lý vi phạm trên cùng một tuyến đường liên xã, dẫn đến tình trạng kiểm tra, kiểm soát tràn lan gây phiền hà, bất bình trong nhân dân. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ và nhân dân còn băn khoăn về chức năng, nhiệm vụ, trình độ, năng lực cán bộ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Công an xã, thị trấn.

Nếu không chú ý và thường xuyên chấn chỉnh lực lượng này thì rất dễ nảy sinh tiêu cực, sai phạm khi thi hành nhiệm vụ. Một số người dân chưa nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của công an xã, thị trấn dẫn đến việc không chấp hành yêu cầu của Công an xã, thị trấn khi làm nhiệm vụ. Trong đó, đã xảy ra 8 vụ chống lại Công an xã, thị trấn khi tham gia đảm bảo TTATGT làm 5 đồng chí bị thương.

N.V.B
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)