Trong số 183 vụ TNGT xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2008 trên địa bàn tỉnh, làm chết 176 người, bị thương 88 người, nạn nhân là nông dân chiếm 94,28%. Đây là con số đáng báo động bởi theo Phòng CSGT Công an tỉnh, các vụ TNGT chủ yếu do người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật.
Trong số 183 vụ TNGT xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2008 trên địa bàn tỉnh, làm chết 176 người, bị thương 88 người, nạn nhân là nông dân chiếm 94,28%. Đây là con số đáng báo động bởi theo Phòng CSGT Công an tỉnh, các vụ TNGT chủ yếu do người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật.
|
Nhiều nông dân chưa đội MBH khi đi xe máy Ảnh: Mạnh Hoàn
|
Cụ thể, đối tượng nông dân gây ra 165 vụ, làm chết 161 (chiếm 94,15%), trong khi các tuyến đường nông thôn xảy ra 14 vụ (chiếm 8%), làm chết 14 người (8,18%), bị thương 6 người (6,8%). Các huyện có số người tử vong cao do TNGT là Đức Hòa, xảy ra 28 vụ TNGT, làm chết 30 người; huyện Cần Giuộc 16 vụ, chết 14 người; huyện Châu Thành 8 vụ, chết 9 người; huyện Thạnh Hóa 8 vụ, chết 7 người; huyện Mộc Hóa 10 vụ, chết 2 người; huyện Tân Hưng 5 vụ, chết 4 người. Đặc biệt địa bàn huyện Bến Lức mỗi tháng có trên 7 vụ TNGT làm chết trên 7 người.
Theo Ban ATGT tỉnh, nguyên nhân xảy ra TNGT chủ yếu do hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là ở vùng nông thôn xuống cấp, nhiều đoạn thường xuyên bị lấn chiếm, một số nơi không có biển báo.
Một số tuyến đường đã được nâng cấp nhưng mặt đường vẫn còn hẹp, tầm nhìn bị hạn chế nên khi người điều khiển phương tiện phóng nhanh rất dễ xảy ra TNGT. Trong khi một bộ phận người nông dân ý thức chấp hành luật giao thông chưa cao, lực lượng TTKS còn "mỏng", chỉ tập trung các tuyến quốc lộ.
Trước tình hình này, Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị tăng cường kiểm tra, đôn đốc đối với các huyện, thị xã có số người chết do TNGT tăng cao, nêu cao trách nhiệm của các thành viên Ban ATGT.
Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban tuyên giáo Tỉnh ủy in tập san hàng tháng tuyên truyền về Luật GTĐB. Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ Ban ATGT 14 huyện, thị xã phối hợp UBMT Tổ quốc, Hội Nông dân tỉnh, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền ATGT cho nông dân.
Từ đầu tháng 7/2008, Công an tỉnh mở đợt cao điểm tuần tra xử lý vi phạm trên các tuyến đường thường xảy ra TNGT như tuyến QL1A, ĐT 830 và ĐT 835.
UBND tỉnh cũng đề ra 7 giải pháp cơ bản từ nay đến cuối năm 2008 để kiềm chế TNGT.
Thứ nhất, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân tỉnh, huyện quan tâm đến công tác tuyên truyền giáo dục về pháp luật ATGT cho tầng lớp nông dân vì đây là đối tượng chiếm 94,28% TNGT.
Thứ hai, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT, tổ chức điều hành phối hợp các hoạt động giữa các sở, ngành, chính quyền các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT.
Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự ATGT hướng đến từng người tham gia giao thông, xây dựng chương trình tuyên truyền ATGT theo chuyên đề thống nhất và đồng loạt trong toàn tỉnh.
Thứ tư, Công an tỉnh mở đợt cao điểm tuần tra xử lý các hành vi vi phạm ATGT trên các tuyến đường thường xảy ra tai nạn như tuyến QL1A, ĐT 830 và ĐT 835.
Thứ năm, phát huy các hoạt động kiểm tra đôn đốc của Ban ATGT tỉnh đối với các huyện, thị xã, nêu cao trách nhiệm của các thành viên Ban ATGT tỉnh.
Thứ sáu, xem xét ban hành một số chính sách ưu tiên cho phát triển phương tiện GTVT công cộng, mở rộng phạm vi hoạt động của xe buýt đến các huyện.
Thứ bảy, xác định các "điểm đen" TNGT để xử lý, khẩn trương bổ sung các biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu gờ giảm tốc ở những tuyến giao thông phức tạp, tuyến đường mới.
Quốc Tuấn - Báo Bạn đường