|
CSGT Đồng Nai kiểm tra an toàn xe khách - Ảnh: P.V
|
Trong 7 tháng, toàn tỉnh xảy ra 289 vụ tai nạn cả đường sắt, đường bộ, đường thuỷ. So với cùng kỳ năm 2007, đã giảm 132 vụ (-31,4%). Kiềm chế được TNGT trong điều kiện địa bàn tỉnh Đồng Nai có tới 5 tuyến quốc lộ trọng điểm, có các khu công nghiệp tập trung đông dân, công nhân nhập cư, các loại xe vận tải lớn, xe đầu kéo, xe container qua lại với số lượng rất lớn; đó là một thành tích không nhỏ của lực lượng chức năng làm công tác an toàn giao thông của tỉnh.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ và chỉ tiêu đã đề ra, ngay từ đầu năm lực lượng công an tỉnh đã tập trung triển khai kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật ATGT. Trọng tâm là tuyên truyền về chủ trương bắt buộc đội MBH khi đi môtô, xe gắn máy; đình chỉ lưu hành xe "công nông", xe 3, 4 bánh tự chế, xe hết niên hạn sử dụng, đình chỉ hoạt động các phương tiện đường thuỷ không đăng ký đăng kiểm an toàn kỹ thuật...
Công an tỉnh đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm theo từng nhóm phương tiện: Xe ôtô khách, xe ôtô tải ben, xe container; người điều khiển môtô, xe gắn máy không đội MBH, học sinh chưa đủ tuổi, không có GPLX điều khiển phương tiện xe máy, kiểm tra bến và phương tiện giao thông đường thuỷ, kế hoạch phòng chống đua xe trái phép tập trung trong các ngày nghỉ cuối tuần, các sự kiện thể thao quan trọng...
CSGT đã lập biên bản xử lý 120 trường hợp người vi phạm hối lộ với số tiền gần 21 triệu đồng. Đặc biệt, có 26 vụ tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đã bị phát hiện, bắt giữ 56 đối tượng, thu giữ tiền và nhiều tang vật phạm pháp trong đó có cả hêroin.
Qua công tác TTKS, xử lý vi phạm, công tác điều tra giải quyết TNGT và điều tra cơ bản nắm tình hình đã phát hiện những điểm và đoạn đường thường xảy ra TNGT, những vấn đề bất hợp lý trong hạ tầng giao thông, qua đó kiến nghị các ngành chức năng giải quyết khắc phục. Các "điểm đen" về TNGT trên địa bàn tỉnh đã được thống kê, phân loại và phân cấp xử lý cụ thể.
Ban ATGT tỉnh cùng với các cơ quan thành viên có nhiều hoạt động tích cực tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn luật giao thông bằng nhiều hình thức thiết thực. Ban đã chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch phối hợp Ban ATGT các huyện, thị, thành phố tổ chức liên hoan thông tin lưu động kết hợp tuyên truyền về pháp luật ATGT đến từng khu vực dân cư.
Sở GD&ĐT chú trọng nâng cao chất lượng chương trình giáo dục pháp luật ATGT trong nhà trường, mở cuộc thi tìm hiểu luật giao thông trong dịp hè 2008. Ban ATGT tỉnh còn phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn và in 50.000 cuốn sách tuyên truyền luật giao thông dưới hình thức hỏi - đáp, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ phát cho các hộ dân; cùng với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc in và phát 200.000 bản cam kết chấp hành pháp luật ATGT đến từng hộ dân cư.
Hàng trăm ngàn áp phích tuyên truyền về việc đội MBH khi đi xe môtô, hướng dẫn đội MBH đúng cách được dán ở những nơi đông người qua lại; ưu tiên tuyên truyền là đội ngũ công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, nhân dân vùng nông thôn; 30.000 tờ gấp tuyên truyền về chủ trương đình chỉ lưu hành đối với xe tự chế phát tới các đối tượng cần thiết.
Báo, đài của tỉnh liên tục duy trì chuyên mục, chương trình ATGT với những bản tin, phóng sự, ghi nhanh, chuyên mục nêu gương điển hình trong phong trào "Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT", đồng thời nêu tên cụ thể các trường hợp vi phạm luật giao thông. Việc thông báo vi phạm đến tận nơi ở, nơi làm việc của người vi phạm vẫn được duy trì nhằm góp phần giáo dục phòng ngừa chung.
Từ nay đến hết năm 2008, những nhiệm vụ trọng tâm đã được cơ quan chức năng đặt ra hết sức cụ thể, trong đó chú trọng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật trong cộng đồng dân cư, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho người dân.
Trước hết, Ban ATGT tỉnh sẽ phối hợp với Sở Tư pháp tập huấn kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho các cán bộ, tuyên truyền viên ở các ban ngành và địa phương trong tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh cuộc vận động "Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông". Khuyến khích học sinh đội MBH khi sử dụng xe đạp điện, mặc áo phao khi đi đò, phà. Việc kiểm tra, giám sát học sinh chưa đủ tuổi, không có GPLX điều khiển xe môtô phải được thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu năm học mới.
Với những cố gắng của các ngành chức năng, sự phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, mục tiêu năm 2008 giảm 10% tai nạn giao thông so với năm 2007 của Đồng Nai có nhiều cơ sở thành hiện thực.
Theo Báo Bạn đường