Vĩnh Phúc: Nỗ lực xóa ‘‘nhiều không’’ trên các tuyến đường thủy

Thứ sáu, 23/05/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tỉnh Vĩnh Phúc có 2 sông lớn là sông Hồng và sông Lô chảy qua với tổng chiều dài gần 80 km. Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn một số tuyến sông kênh địa phương như sông Cà Lồ; sông Phó Đáy dài khoảng 50 km chủ yếu dùng vào việc sản xuất nông nghiệp và vận tải nhỏ. Về mùa mưa, lũ mực nước dâng nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn hình thành rất nhiều xoáy nước, ẩn chứa nhiều hiểm họa cho các phương tiện đò ngang, nhất là với những chiếc đò ngang, đò dọc không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, chở quá tải, người điều khiển không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn

Tỉnh Vĩnh Phúc có 2 sông lớn là sông Hồng và sông Lô chảy qua với tổng chiều dài gần 80 km. Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn một số tuyến sông kênh địa phương như sông Cà Lồ; sông Phó Đáy dài khoảng 50 km chủ yếu dùng vào việc sản xuất nông nghiệp và vận tải nhỏ. Về mùa mưa, lũ mực nước dâng nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn hình thành rất nhiều xoáy nước, ẩn chứa nhiều hiểm họa cho các phương tiện đò ngang, nhất là với những chiếc đò ngang, đò dọc không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, chở quá tải, người điều khiển không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn.

Còn nặng hình thức chống chế

Với lợi thế tự nhiên khá thuận lợi như vậy, nên nghề vận tải thủy của Vĩnh Phúc được hình thành từ rất sớm và ngày càng được xã hội hóa. Nhiều xã, huyện nằm ven sông có số lượng người làm nghề vận tải thủy; kinh doanh bến bãi khá lớn như các xã Việt Xuân, Sơn Đông, huyện Lập Thạch trên sông Lô. Trên 2 tuyến sông này có 16 bến khách ngang sông với 29 phương tiện vận chuyển khách ngang sông. Địa phương có nhiều bến đò nhất là huyện Vĩnh Tường trên sông Hồng và huyện Lập Thạch trên sông Lô. Đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra và cấp giấy phép hoạt động cho 15/16 bến khách ngang sông; đăng ký hành chính và đăng kiểm cho 29 phương tiện đò ngang (đạt 100%). Hằng năm, những bến đò này đã tham gia vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa cùng hàng ngàn lượt khách qua sông.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 536 phương tiện các loại; tổng trọng tải toàn phần 68.295 tấn, trong đó có 317 phương tiện đã được đăng ký hành chính; 157 phương tiện chưa đăng ký. Ngoài ra còn có 62 phương tiện thô sơ (thuộc diện không phải đăng ký). Đến nay, tỉnh đã thực hiện đăng kiểm an toàn kỹ thuật cho 285 phương tiện (bằng 53,7%); chưa đăng kiểm 187 chiếc (bằng 34,89%). Đối với đội ngũ người lái phương tiện, hiện có 536 người; trong đó, có 264 người có bằng thuyền trưởng (các hạng); 269 người có Chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện. Và hiện nay tỉnh còn 263 người lái thuộc diện phải có Giấy chứng nhận học tập pháp luật nhưng chưa được học tập về pháp luật.

Tuy nhiên, qua kết quả từ việc xử lý các vi phạm hiện còn rất nhiều bất cập. Trên thực tế người dân cố tình trốn tránh và liên tục vi phạm, nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý triệt để được vì tính đặc thù của loại hình giao thông đường thủy, vì không có bến tạm giữ. Cũng qua các vụ vi phạm cho thấy một điều đáng báo động là ý thức chấp hành luật của người dân chưa cao, còn mang nặng hình thức chống chế.

Cần có sự hợp tác

Từ thực trạng trên, nên công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động của các phương tiện vận tải và cho các bến đò ngang là một trong những vấn đề được lực lượng CSGTĐT - Công an tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm hàng đầu nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các tai nạn giao thông đường thủy xảy ra.

Bởi vậy, thời gian qua, lực lượng CSGTĐT đã kiểm tra và phát hiện gần 500 lượt phương tiện vi phạm các qui định về an toàn giao thông đường thủy. Trong đó có hàng chục phương tiện không đăng kiểm, đăng ký và người lái phương tiện không có bằng, CCCM. Lực lượng kiểm tra đã lập biên bản xử lý hành chính gần 400 trường hợp và xử phạt tại chỗ với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Xác định rõ mục đích ý nghĩa của công tác đảm bảo an toàn giao thông ĐTNĐ, nên ngoài việc thường xuyên kiểm tra xử lý các vi phạm, hàng năm, CSGT Vĩnh Phúc còn phối hợp với chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng liên quan triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động và đôn đốc các chủ bến, người lái phương tiện thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông ĐTNĐ.

Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp mở các Hội nghị ven sông để tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Giao thông ĐTNĐ; Nghị định 09/CP tới các doanh nghiệp vận tải thủy; các chủ bến và người điều khiển đò ngang nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông ĐTNĐ. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tham gia cuộc vận động người đi đò mặc áo phao; ký cam kết không chở quá tải, quá số ghế qui định.

Những bến nào không đảm bảo an toàn; người lái đò không có CCCM; phương tiện cũ nát; không đăng ký hoặc đăng kiểm, sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động và yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện phải khắc phục xong mới được tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, ngoài việc kiểm tra định kỳ, CSGT thường xuyên phối hợp với cơ quan Quản lý đường sông; Đăng kiểm, Thanh tra giao thông (Sở GTVT Vĩnh Phúc) tổ chức các cuộc thanh kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm mới nảy sinh để phòng ngừa và ngăn chặn các tai nạn có thể xảy ra.

Có như vậy, mới đảm bảo tốt TTAT giao thông cũng như đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trên lĩnh vực giao thông ĐTNĐ.

Đỗ Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)