Quý I/2008, ở huyện Nga Sơn xảy ra 5 vụ TNGT, không có thiệt hại về người. Kết quả này có được là nhờ ngành chức năng chủ động trong chỉ đạo, giáo dục tuyên truyền và nổi bật hơn cả là công tác kiểm tra, xử lý kiên quyết của lực lượng công an của 27/27 xã, thị trấn trong toàn huyện.
Đến thời điểm này, đồng loạt 27/27 xã, thị trấn đã triển khai hoạt động công an xã đảm bảo ATGT. Riêng quý I/2008, lực lượng công an các xã đã xử lý 455 trường hợp vi phạm pháp luật ATGT, trong đó phạt tiền 395 trường hợp, cảnh cáo 60 trường hợp.
Một ví dụ là tại xã Nga Thái, trước đây tình hình ATGT trên địa bàn rất phức tạp, nổi cộm là tình trạng thanh niên đi xe lạng lách, đánh võng, không sử dụng đèn chiếu sáng ban đêm, chở quá số người quy định... Nhưng sau khi lực lượng công an xã bố trí 2 tổ tuần tra thường xuyên có mặt tại những điểm giao thông đông người qua lại và khu vực giáp ranh giữa hai xóm, thì tình hình trật tự ATGT trên địa bàn đã chuyển biến tích cực, số người chấp hành đội MBH trên các tuyến giao thông nông thôn đạt gần 100%.
Ông Mai Trọng Thành, Trưởng công an xã Nga Thái cho biết: "Lực lượng công an xã rất cương quyết khi xử lý các đối tượng vi phạm, không kể là người trong hay ngoài xã. Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an xã đã nhắc nhở và cảnh cáo 191 trường hợp, ra quyết định xử lý 64 trường hợp, tạm giữ 20 phương tiện".
Sở dĩ việc đưa lực lượng công an xã tham gia xử lý vi phạm pháp luật ATGT ở Nga Sơn có hiệu quả tốt là do chính quyền và các ban ngành liên quan ở địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo.
Đầu tiên, 27/27 xã, thị trấn đã tổ chức các hội nghị triển khai quán triệt đến 231 xóm trưởng, 254 bí thư chi bộ, 153 trưởng các ngành, đoàn thể về chủ trương của Giám đốc Công an tỉnh giao quyền, phân cấp cho công an xã, thị trấn trên tuyến, địa bàn tuần tra xử lý vi phạm pháp luật ATGT. Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền 420 lượt trên hệ thống truyền thanh huyện, 1.810 lượt trên hệ thống truyền thanh xã, thị trấn để nhân dân nắm được chủ trương này.
Theo Thiếu tá Mai Trọng Lĩnh, Phó trưởng Công an huyện Nga Sơn, đây là việc làm cần thiết, khi tư tưởng đã "thông" thì quá trình triển khai sẽ không gặp những phản ứng của người dân. Mặc dù vậy, công an huyện vẫn xác định đây là lực lượng không chính quy, nên quá trình triển khai phải tiến hành thận trọng, từng bước một. Chẳng hạn như sau tập huấn, yêu cầu công an các xã làm bài thu hoạch với các tình huống: dừng phương tiện như thế nào và xử lý người vi phạm ra sao, viết phiếu phạt thế nào cho đúng...
Bên cạnh đó, phân công 1 CSGT phụ trách 1 cụm (toàn huyện chia làm 4 cụm công an xã) có trách nhiệm hàng tháng hướng dẫn hồ sơ, kiểm tra hồ sơ và hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng công an xã, thị trấn. 3 tháng một lần, công an huyện tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và kiểm tra công tác hồ sơ, kịp thời phát hiện những sai phạm để chấn chỉnh.
Đến nay trên các tuyến giao thông nông thôn thuộc địa bàn các xã như Nga Thái, Nga Tiến, Nga Yên... số người ngồi trên môtô, xe gắn máy đội MBH đạt gần 100%, hoạt động của xe "công nông" hầu như không diễn ra.
Minh Thành - Báo Bạn đường