30/34 xã, thị trấn có các tuyến giao thông quan trọng đi qua như quốc lộ 1A, 12A, đường sắt, đường sông, chưa kể hàng trăm km đường giao thông liên thôn, liên xã được bê-tông hóa.
Phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn đủ các loại ô-tô, mô-tô, tàu hỏa, thuyền, bè, xe công nông... là nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn là sông Gianh, sông Rào Nan, sông Son, cho nên toàn huyện có một xã và 20 thôn cồn bãi. Theo đó là 20 bến đò ngang, một bến phà phục vụ việc đi lại, giao lưu kinh tế của nhân dân và hàng nghìn em học sinh đến trường.
Với địa hình dân cư cùng mạng lưới giao thông đa dạng, công tác an toàn giao thông (ATGT) của huyện từ năm 2006 về trước diễn biến khá phức tạp. Về đường sắt, số trẻ em chăn trâu, bò thường ném đất đá lên các đoàn tàu, khi đi qua địa bàn, gây bức xúc cho nhiều hành khách khiến dư luận báo chí phải lên tiếng. Ở đường sông, một số hộ dân lấn chiếm bờ sông, bờ đê làm nơi tập kết cát sạn, làm lều quán rồi dần dần trở thành nhà ở, một số hộ lấn chiếm dòng chảy, luồng lạch đặt rớ tàu làm nơi đánh bắt cá, gây cản trở không nhỏ cho tàu thuyền qua lại.
Trên đường bộ, một bộ phận nhân dân hai bên quốc lộ 1A, 12A và các trục đường liên xã lấn chiếm hành lang làm lều quán che khuất tầm nhìn. Vào các dịp thu hoạch mùa màng, mặt đường trở thành sân phơi thóc lúa, rơm rạ. Ðó là vấn đề làm cho các đồng chí lãnh đạo huyện day dứt, trăn trở.
Bước sang năm 2007, công tác an toàn giao thông được cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Trạch thường xuyên quan tâm hơn, nhất là khi có Nghị quyết 32/CP của Chính phủ. Thường vụ Huyện ủy có chỉ thị số 24CT/HU về việc tăng cường một số giải pháp cấp bách, nhằm kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn; UBND huyện có kế hoạch số 334/UBND về tổ chức thực hiện nghị quyết 32/CP của Chính phủ và chỉ thị số 24CT/HU của Thường vụ Huyện ủy.
Trước hết xác định rõ từng đối tượng vi phạm ATGT, như ở lứa tuổi thanh niên, học sinh thường vi phạm lỗi đi xe mô-tô chạy quá tốc độ, chưa đủ tuổi sử dụng xe mô-tô, không có giấy phép lái xe, chở hai, chở ba người, lạng lách. Ðây cũng là đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong các vụ tai nạn giao thông. Ở lứa tuổi các em học sinh THCS và tiểu học khi đi chăn trâu, cắt cỏ hay đùa nghịch bằng cách ném đất đá lên các đoàn tàu chạy qua.
Người lớn lấn chiếm bờ đê, bờ sông, hành lang đường bộ làm lều quán, tập kết vật liệu xây dựng kinh doanh cát sạn. Phụ nữ thường mang các sản phẩm nông nghiệp như lúa, lạc, rơm rạ ra phơi trên đường. Từ đó, các tổ chức đoàn thể như Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB từ huyện, xã đến các chi hội thôn đồng loạt vào cuộc.
Kết hợp lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt của các chi hội đến hội nghị từ xã đến huyện để phổ biến, tuyên truyền các nội dung, chỉ thị về ATGT. Từng gia đình, trước hết cha mẹ phải gương mẫu chấp hành, không lấn chiếm hành lang ATGT. Sau đó giáo dục con cái chấp hành các quy định về ATGT. Ðối với nhà trường, các thầy, cô giáo vận dụng vào các bài giảng ở lớp hoặc kết hợp các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ sáng thứ hai hằng tuần để nhắc nhở, giáo dục các em chấp hành luật lệ ATGT.
Ban ATGT huyện là cơ quan tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền đôn đốc, giám sát, chỉ đạo Ban ATGT các xã, thị trấn; thủ trưởng các đơn vị, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn. Tuyên truyền quán triệt nội dung, mục đích ý nghĩa của việc chấp hành luật ATGT và những nội dung chính của Nghị quyết 32/CP. Ðài Phát thanh - Truyền hình huyện, cùng 34 trạm truyền thanh xã tăng thời lượng phát thanh tuyên truyền.
Tại các công sở, trường học, các trục đường giao thông treo băng-rôn, khẩu hiệu. Nơi đông người qua lại như chợ, bến xe, bến đò dựng pa-nô, áp phích. Ngoài ra tổ chức các đợt ra quân diễu hành hưởng ứng Tháng ATGT hằng năm, tuần ATGT toàn cầu mà nòng cốt là thanh niên, học sinh và công an. Trong đó tập trung nhấn mạnh nội dung quan trọng của Nghị quyết 32/CP của Chính phủ.
Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức học Luật Giao thông đường bộ được bốn khóa cho 1.478 người. Qua sát hạch có 1.425 người được cấp giấy phép lái xe hạng A1. Cùng với việc tăng cường tuần tra kiểm soát thường xuyên của lực lượng Cảnh sát giao thông, trong chín tháng đầu năm 2007 trên địa bàn huyện tai nạn giao thông đường sắt, đường thủy không xảy ra.
Ðặc biệt việc trẻ em ném đất, đá lên các đoàn tàu, gây mất an toàn cho hành khách không còn. Kết quả, người đi mô-tô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đạt tỷ lệ cao. Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 34 vụ, làm chết 41 người, bị thương 19 người. So với cùng kỳ năm 2006, số vụ tai nạn tăng tám vụ, số người chết giảm một người, số người bị thương tăng ba người.
Ngoài những kết quả nêu trên, để kiềm chế và giảm thiểu hơn nữa về tai nạn giao thông, huyện Quảng Trạch vẫn còn một số việc cần được khắc phục, đó là, việc đào tạo và học Luật Giao thông về đường thủy nội địa, nhất là đối với các chủ phương tiện vận tải trên sông và chủ các bến đò ngang chưa được thường xuyên. Cần giải quyết dứt điểm một số trường hợp lấn chiếm bờ đê, bờ sông làm lều quán và bãi kinh doanh cát sạn như ở bờ bắc phà Phú Trịch, chợ Nấp xã Quảng Tiên, thôn Ngọa Cương xã Cảnh Hóa. Cần đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình lớn, không để ảnh hưởng đến công tác ATGT như đường 12A, công trình xây dựng cầu Quảng Hải.