BÌNH ĐỊNH: Lộ trình loại bỏ xe công nông chu đáo, hiệu quả cao

Thứ sáu, 15/02/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã góp phần “hiện thực hoá” chủ trương loại bỏ xe “công nông”, xe tự chế theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ tại địa phương.
Lộ trình cụ thể và quyết liệt

Từ năm 2005, tỉnh Bình Định đã đề ra lộ trình loại bỏ loại xe "công nông", xe lam. Từ tháng 3/2005 UBND tỉnh đã giao Sở GTVT Bình Định phối hợp với Sở Công nghiệp lựa chọn loại ôtô tải nhẹ phù hợp cho việc thay thế xe "công nông" và tuyên truyền, phổ biến cho các chủ phương tiện biết để chủ động mua phương tiện mới thay thế...

Ngày 12/1/2007, Sở GTVT Bình Định tiếp tục có Văn bản số 50/GTVT- VT về việc kiểm định an toàn kỹ thuật đối với xe độ chế, đề nghị UBND các huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Công an huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các sai phạm đối với chủ phương tiện và lái xe "công nông"; kiên quyết đình chỉ lưu hành đối với xe "công nông" đã quá thời hạn kiểm định, thực hiện đình chỉ lưu hành theo đúng lộ trình của UBND tỉnh. UBND các huyện chỉ đạo Phòng Hạ tầng - Kinh tế tổng hợp nhu cầu thực tế của chủ phương tiện và lái xe, đăng ký kiểm định định kỳ để Sở GTVT tổ chức thực hiện kiểm tra ATKT...

Cùng đó, công an huyện và các bộ phận chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến xe độ chế; kiên quyết đình chỉ xe độ chế vi phạm. Đối với các huyện miền núi, chỉ đạo các phòng chức năng rà soát, lập danh sách để quản lý các xe đang hoạt động; tổng hợp và đăng ký tổ chức kiểm định ATKT định kỳ đối với các xe độ chế có đủ điều kiện tham gia vận tải đến thời hạn ngày 31/12/2007.

Theo ông Nguyễn Quả, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Định: "Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý và liên tục tuyên truyền, vận động nên từ trước ngày 1/7/2007, nhiều chủ xe "công nông" đã tự giác chấp hành chuyển đổi phương tiện. Lực lượng TTGT thời gian qua cũng đã phối hợp với Công an các huyện tiến hành kiểm tra, buộc các chủ phương tiện chấp hành.

Nhưng trên thực tế, một số ít vẫn lén lút hoạt động khi không có lực lượng TTKS. Từ ngày 1/1/2008, TTGT phối hợp với lực lượng Công an các huyện và Tp. Quy Nhơn tăng cường kiểm tra phương tiện 3, 4 bánh hết niên hạn sử dụng và xe "công nông", qua đó đã tịch thu một số phương tiện vi phạm và sẽ tiến hành xử lý cương quyết.  Đến thời điểm này gần 100% xe "công nông" đã vắng bóng trên địa bàn.

Hiệu quả, an toàn

Lộ trình quản lý xe "công nông" được tỉnh Bình Định triển khai dài hơi và quyết liệt, phân cấp tương đối cụ thể, trong đó hơn 1.350 xe "công nông" tại các huyện đồng bằng và trung du chỉ được phép lưu hành đên hết ngày 30/6/2007 và 108 xe "công nông" tại các huyện miền núi phải chấm dứt hoạt động từ ngày 31/12/2007.

Như vậy, tỉnh Bình Định đã thực hiện lộ trình loại bỏ xe "công nông" sớm hơn một bước so với lộ trình loại bỏ xe "công nông" của Chính phủ (từ ngày 1/1/2008). Chính nhờ vậy, đến thời điểm xoá bỏ xe "công nông" theo quy định tại Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ tại Bình Định không gặp nhiều khó khăn.

Cùng với lộ trình loại bỏ xe công nông, tỉnh đã có bước chuẩn bị sớm phương án tìm phương tiện thay thế xe công nông, nên việc loại bỏ xe công nông trên địa bàn kể từ ngày 1/1/2008 không những không gây ảnh hưởng đến nhu cầu vận chuyển hàng hoá, mà còn góp phần giải bài toán về trật tự ATGT.

Theo ghi nhận hiện nay, cùng với sự vắng bóng của xe "công nông" trên QL1A và các tuyến nội Tp.Quy Nhơn, QL19... là hàng loạt xe tải nhẹ mang nhãn hiệu Cửu Long, Trường Hải, Vinaxuki tham gia vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, cùng đó là xe Daishu vận chuyển khách và hàng hoá thay thế xe Lam...

Trong khi đó, số lượng xe tải nhẹ thời gian qua được các chủ phương tiện mua sắm, đăng ký cấp biển số tại Phòng CSGT Công an tỉnh không ngừng gia tăng, cao điểm nhất có khi lên đến 20- 30 chiếc/ngày. Đáng chú ý, dọc tuyến QL1A qua địa bàn và các tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo..., thời gian qua đã có hàng loạt cơ sở thu mua và xẻ thịt xe "công nông" và xe ôtô hết niên hạn sử dụng.

Tại những cơ sở này, cùng với linh kiện xe ôtô hết niên hạn sử dụng và xe "công nông" đã được tháo dỡ để bán lại, nhiều chiếc xe "công nông" cũng đang bị xẻ thịt bán phế liệu. Theo một số cơ sở xẻ thịt xe "công nông" trên đường Hùng Vương, giá tuỳ thuộc vào chất lượng xe "công nông", trung bình khoảng 15- 17 triệu đồng/chiếc...

Ông Nguyễn Hà Đông, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Định cho biết: Từ thực tế triển khai loại bỏ xe "công nông" cho thấy, hầu hết chủ xe được tuyên truyền về lộ trình loại bỏ nên đều có sự chuẩn bị tàI chính, lựa chọn phương tiện thay thế. Bở vậy vấn đề người dân quan tâm không phải là tiền mua xe mà chủ yếu là kích cỡ và công suất máy cho phù hợp với địa hình và hiệu quả kinh doanh khai thác.

Bùi Duy - Báo Bạn đường

Báo Bạn đường

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)