UBND tỉnh Đồng Nai vừa làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt trên địa bàn tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chủ trì buổi làm việc.
Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trong buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Theo thống kê mới nhất, tại Đồng Nai hiện có 31 đường cắt ngang đường sắt có gác chắn, 14 đường ngang cảnh báo tự động, 14 đường ngang có biển báo và 62 đường ngang dân sinh trái phép. Công ty Đường sắt Sài Gòn và Công ty Thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn đã nâng cấp, cải tạo 13 đường ngang hợp pháp.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tai nạn đường sắt qua các đường ngang của tỉnh tuy có giảm nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình trong tháng 4, tại đường ngang dân sinh đoạn Km1692+300 phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, tàu SE25/244 đụng xe máy làm chết 2 người; tháng 5 ở đường ngang cảnh báo tự động Km1643+360, TX.Long Khánh, tàu SE22 đụng xe tải làm lái tàu chính và phụ lái tàu bị thương, khiến tàu chậm hơn 13 tiếng; tháng 6 tại đường ngang cảnh báo tự động ở Km1684+780, huyện Trảng Bom, tàu SE5 đụng xe đầu kéo rơ moóc làm hỏng đầu tàu, đầu kéo, làm chậm tàu hơn 21 tiếng.
Đường ngang dân sinh tại Km1692+300, phường Tân Hiệp (TP. Biên Hòa)
Ông Phạm Công Trịnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị tỉnh trong tháng 8 tới phối hợp với Tổng công ty rà soát lại các đường ngang trái phép, lập hồ sơ và biên bản có ký xác nhận của chính quyền cấp huyện, xã để từng bước xóa hết các đường ngang mới mở. Các đường ngang dân sinh tồn tại từ lâu cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tổ chức chốt gác hoặc cảnh giới tại 11 vị trí mà ngành đường sắt đã đề nghị.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo các địa phương phải lập kế hoạch thực hiện các phần việc đã được phân định trong quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông - vận tải và UBND tỉnh Đồng Nai trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang. Các đường ngang dân sinh còn thiếu cảnh báo phải được làm thêm gờ giảm tốc và đèn tín hiệu cảnh báo; phải truy tố các tài xế, người lái xe cố tình vượt qua đường sắt khi đang có tín hiệu tàu đến; truy tố những cá nhân, đơn vị phá bỏ các rào chắn do ngành đường sắt thực hiện ở các đường ngang bất hợp pháp…Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đến ngày 15/8/2015, Ban An toàn giao thông từ tỉnh đến các huyện liên quan phải có kế hoạch phân công cụ thể việc phối hợp giữ gìn an toàn đường ngang để UBND tỉnh có cơ sở giám sát, đôn đốc, xử lý.