Hà Nam: Mô hình an toàn cho trẻ cần nhân rộng

Thứ ba, 22/09/2015 09:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hà Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước được chọn triển khai Dự án “Đi tới trường an toàn - Về đến nhà an toàn” từ năm 2013. Mục tiêu của Dự án là giảm tử vong và thương tích do TNGT đường bộ liên quan đến học sinh thông qua việc triển khai mô hình các tuyến đường an toàn tại các trường học, đặc biệt là chú ý đến công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, kiến thức về ATGT cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Phát động phong trào "Đi tới trường an toàn - Về đến nhà an toàn" tại Hà Nam

Đặt nền móng cho thế hệ tương lai

Tỉnh Hà Nam có 140 trường tiểu học với 57.113 học sinh, 120 trường THCS với 44.741 học sinh và 26 trường THPT với 24.988 học sinh. Việc giảng dạy ATGT trong trường học được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa vào từ những năm học 1998 - 1999. Bộ GD&ĐT đã đưa ra những nội dung trọng tâm của từng cấp học để các trường giảng dạy. Giáo viên giảng dạy ATGT trong trường học chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm (bậc tiểu học) và giáo viên dạy môn Giáo dục công dân (cấp THCS). Tuy nhiên, ATGT chưa phải là môn học chính khóa và cũng chưa có bộ tài liệu chuẩn cho từng cấp học, vì vậy, thời lượng giảng dạy còn ít.

Với mục tiêu trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về ATGT và từng bước xây dựng văn hóa, đạo đức trong cộng đồng, góp phần kiềm chế TNGT, Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu (trực thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) đã tài trợ cho một số tỉnh tại Việt Nam thực hiện Dự án “Đi tới trường an toàn - Về đến nhà an toàn” với mục tiêu giảm tử vong và thương tích do tai nạn đường bộ liên quan đến học sinh Việt Nam và Hà Nam là tỉnh đầu tiên được chọn thí điểm dự án. Theo đó, dự án này thực hiện xây dựng mối quan hệ, trách nhiệm của chính quyền trong quản lý, xây dựng công trình trong giáo dục và đề cập tới việc cưỡng chế trong giải quyết các vấn đề giao thông nhằm đảm bảo an toàn nhất cho học sinh.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Bùi Đức Tĩnh - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam cho biết, qua 2 năm học 2012 - 2013 và 2013 - 2014, tỉnh Hà Nam có 5 trường tiểu học và THCS được Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu chọn thí điểm thực hiện Dự án “Đi tới trường an toàn - Về đến nhà an toàn”. Trường Tiểu học Thanh Hương là trường đầu tiên thí điểm dự án này và kết quả nhận được khá tốt. Từ khi thí điểm, học sinh có ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông và đặc biệt không xảy ra vụ tai nạn nào đối với học sinh. Điều quan trọng nhất, các trường được trang bị hệ thống hỗ trợ giảng dạy hiện đại, do đó các em có thêm kỹ năng tham gia an toàn, phụ huynh học sinh nhận thức rõ hơn việc trang bị kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các con.

“Hiện nay, Ban ATGT tỉnh Hà Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn nhất cho học sinh trên các tuyến đường từ nhà đến trường đối với 14 trường được thụ hưởng Dự án, từ đó nhân rộng ra các trường trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Tĩnh cho biết thêm.

Đổi mới giáo trình và phương thức giảng dạy

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lê Văn Đạt - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT, Viện Chiến lược Phát triển GTVT cho biết, giáo trình giảng dạy về ATGT trong Dự án được thiết kế rất khoa học, chia làm nhiều đề tài khác nhau nên các thầy, cô giảng dạy có thể vận dụng linh hoạt trên trường. Giáo trình có 5 chuyên đề chính và 4 chuyên đề phụ. Giáo trình có cách tiếp cận theo phương pháp của Colombia, các chuyên đề được tích hợp, chuyển tải bằng giáo trình điện tử trực quan, sinh động với các hình ảnh, video minh họa...

Theo đó, giáo trình giảng dạy mới mang tính mở, các thầy cô có thể sáng tạo nội dung để phù hợp với điều kiện trường, với các em học sinh trong quá trình đi đến trường, về nhà an toàn. Đối với nhóm học sinh THCS, nội dung giảng dạy mở rộng hơn bao gồm cả các chuyên đề về văn hóa giao thông, chuyên đề về ATGT vào ban đêm, an toàn khi đi xe đạp điện, xe buýt... cho phù hợp với lứa tuổi các em. Trong giáo trình còn bổ sung thêm địa chỉ các website chuyên về công tác ATGT để các thầy cô, các em học sinh có thể tìm hiểu và thu thập thêm thông tin.

Ngoài việc cung cấp giáo trình giảng dạy, các trường thụ hưởng Dự án còn được đầu tư các trang, thiết bị phục vụ công tác giảng dạy ATGT như máy tính, hệ thống đèn tín hiệu tự động... Một số trường còn được hỗ trợ kinh phí cải tạo hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và phụ huynh tại các cổng trường.

Bà Đinh Thị Hoàng Yến, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Hương, huyện Thanh Liêm chia sẻ: “Khi đón nhận Dự án "Đi tới trường an toàn - Về đến nhà an toàn", cả giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Thanh Hương rất phấn khởi. Dự án này có rất nhiều hoạt động hữu ích, giúp chúng tôi hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, được tiếp cận, hướng dẫn và cho học sinh trải nghiệm bằng kiến thức thực tế mà dự án mang lại. Ngoài ra, tôi thấy việc thêm một số nội dung vào giáo trình là một sự cập nhật rất cần thiết, đặc biệt là với học sinh THCS”.

Với chương trình giảng dạy theo dự án này, ngoài những buổi học trên lớp, các em học sinh sẽ được tham gia các buổi học ngoại khóa. Điều cơ bản là các em học sinh sẽ được học, tập huấn và trang bị những kỹ năng cơ bản để tham gia an toàn, để con đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà thêm thân thiện.
 

bichtt

Nguồn: tapchigiaothong.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)