Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Tuyên Quang, năm 2015 số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường tại khu vực nông thôn chiếm trên 26% tổng số vụ tai nạn giao thông toàn tỉnh, chỉ đứng sau số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến Quốc lộ. Để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nông thôn đến năm 2020.
Các xe tự chế chở rơm rạ trên các tuyến đường nông thôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực nông thôn, ngành Giao thông vận tải cũng đã tích cực tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với 328,6 km đường giao thông nông thôn được thực hiện năm 2015. Cùng với đó, ngành cũng tăng cường chỉ đạo các Hạt quản lý giao thông tại các huyện, thành phố tăng cường công tác rà soát, bổ sung lắp đặt hệ thống biển báo và thiết bị bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn; đồng thời vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để đảm bảo tầm nhìn tại các điểm giao cắt trên đường liên thôn, liên xã.
Lâm Bình là huyện có nhiều tuyến đường dốc quanh co, nhiều đoạn đường nông thôn khá phức tạp về tình hình trật tự an toàn giao thông. Theo Hạt Quản lý giao thông Lâm Bình, thì Hạt cũng đã thường xuyên rà soát các điểm lắp đặt hệ thống biển báo, thiết bị bảo đảm an toàn giao thông. Hiện toàn huyện có 3.470 mét hộ lan mềm, 7.195 cọc tiêu, 234 biển báo hiệu các loại, 9 gương cầu lồi, 14 biển báo hiệu đường dốc quanh co nguy hiểm... Ông Chẩu Văn Tiến, Hạt Trưởng Hạt Quản lý giao thông huyện Lâm Bình cho biết: “Hạt đang tiếp tục rà soát, bổ sung lắp đặt hệ thống biển báo và thiết bị bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường; đồng thời vận động người dân phát quang cây cối, chỉnh sửa tường rào để đảm bảo tầm nhìn tại các điểm giao cắt”.
Theo Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái ngoài việc thường xuyên chỉ đạo các hợp tác xã, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nâng cao chất lượng an toàn phương tiện cơ giới, thì phòng cũng phối hợp với đơn vị đăng kiểm, công an kiên quyết loại bỏ 100% xe ô tô và phương tiện thủy nội địa quá niên hạn sử dụng, xe công nông và xe tự chế; đồng thời nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cho người dân ở nông thôn thông qua các khóa đào tạo, sát hạch lái xe. Trong năm nay, phòng cũng tham mưu với Sở Giao thông vận tải xây dựng dự thảo Chương trình đào tạo lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ quá thấp, trình UBND tỉnh ban hành.
Ngành Công an cũng tiếp tục hỗ trợ và chỉ đạo Công an các huyện, thành phố huy động các lực lượng, xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng công an xã tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm ở các tuyến đường giao thông nông thôn thường xảy ra tai nạn; duy trì tập huấn công tác đảm bảo TTATGT cho lực lượng Công an xã, đồng thời phân công mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông huyện, thành phố phụ trách xã, thị trấn để nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ Công an xã tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.