Vài năm gần đây, tình trạng người tham gia giao thông thường bỏ xe khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến trên địa bàn huyện Than Uyên. Điều này gây tình trạng quá tải bến bãi, lãng phí tài sản, thất thu ngân sách địa phương.
Dẫn chúng tôi xuống “mục sở thị” bãi để xe vi phạm, Thiếu tá Giàng A Lẩu - Phó Trưởng Công an huyện Than Uyên chia sẻ: Nhiều năm nay, tình trạng người dân có phương tiện bị tạm giữ khi vi phạm trật tự an toàn giao thông hay tai nạn giao thông không đến nhận khá nhiều. Trong khi đó, bãi để xe của đơn vị ngày càng thu hẹp diện tích sau mỗi lần ra quân triển khai các đợt cao điểm xử lý nồng độ cồn, tuần tra kiểm soát. Nhiều trường hợp xe vi phạm sau 1 năm chủ xe không thực hiện quyết định xử phạt hay đến giải quyết vụ tai nạn, đơn vị thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và tiến hành thủ tục đấu giá theo quy định Nhà nước nếu quá thời gian quy định”.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Cơ động (Công an huyện Than Uyên) kiểm tra xe vi phạm bị “bỏ rơi”.
Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực tập kết xe vi phạm ở Công an huyện có khá nhiều xe môtô bị “bỏ rơi”. Tuy được xếp gọn gàng, che đậy vải bạt nhưng qua thời gian, giá trị sử dụng của xe chẳng là bao. Đến nay, bãi của Công an huyện vẫn còn khoảng gần 100 xe, trong đó quá nửa là xe có niên hạn tạm trú gần 1 năm mà không có người đến nhận. Công an huyện đang làm thủ tục thanh lý trên 80 xe vi phạm bị bỏ lại.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chủ phương tiện sử dụng xe cũ nát, trong khi số tiền nộp phạt lớn. Nhiều trường hợp không chứng minh được nguồn gốc (do mua bán xe qua nhiều đời chủ) hay xe mượn của ai. Đặc biệt, theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó có mức xử phạt đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy quá cao nên nhiều chủ phương tiện thường quyết định bỏ của. Một số xe rơi vào trường hợp sau khi tai nạn giao thông, chủ xe tử vong, gia đình không có nhu cầu lấy lại xe. Cũng theo quy định pháp luật, khi phương tiện tạm giữ quá hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến xử lý thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phương tiện.
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Đỗ Sơn Tùng - Đội Trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Cơ động (Công an huyện Than Uyên) cho biết: “Đối với xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ và phương tiện va quệt khi tham gia giao thông, đơn vị triệu tập chủ xe lên giải quyết. Tuy nhiên, nhiều chủ xe không đến giải quyết vì phương tiện chất lượng kém, rẻ, khi va chạm bị hư hỏng nhiều. Cũng do mức phạt quá cao, trong khi giá trị phương tiện thấp nên nhiều người bỏ xe”.
Do chủ phương tiện không đến làm thủ tục xử phạt hay bỏ xe vi phạm nên hầu hết phương tiện sau một thời gian hư hỏng nặng, giảm giá trị xe. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài sản mà còn thất thoát nguồn thu ngân sách địa phương; khó khăn cho đơn vị công an khi bố trí bến bãi. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ phương tiện trên địa bàn, thông tin vi phạm chủ phương tiện. Cùng với đó, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, tuyên truyền người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ; không sử dụng xe không rõ nguồn gốc, cần sang tên đổi chủ khi mua bán xe máy…