Cà Mau: Tai nạn giao thông giảm trong 3 tháng đầu năm

Thứ tư, 05/04/2017 12:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau, trong tháng 3, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4 người và bị thương 20 người (giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016). TNGT 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ giảm 53%, số người chết giảm 75%, số người bị thương giảm 46,5%.

Để kéo giảm TNGT, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông (TGGT), các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát (TTKS). Riêng lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh, trong tháng 3 đã tổ chức xuống đường hơn 370 ca, lập biên bản vi phạm hơn 2.300 trường hợp. Qua đó, xử phạt hành chính 2.066 trường hợp với số tiền trên 2 tỷ đồng, tạm giữ trên 630 phương tiện, tước 360 giấy phép lái xe.

Đồng thời, kết hợp với các lực lượng thực hiện cao điểm TTKS xử lý phương tiện vận tải không phép hoạt động trong nội ô TP Cà Mau, lập biên bản gần 500 trường hợp vi phạm, tạm giữ trên 180 giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký và ô tô vi phạm.

Tăng cường TTKS vào ban đêm

Triển khai thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 05/KH-CAT-PV11 (tháng 01/2017) của Giám đốc Công an tỉnh về việc “TTKS đảm bảo trật tự ATGT - an ninh trật tự trên các tuyến, địa bàn trọng điểm vào ban đêm”, CSGT đã phối hợp với các lực lượng chức năng Công an tỉnh, tổ chức TTKS trên 30 ca, phát hiện lập biên bản trên 250 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, lạng lách, không giấy phép lái xe, chở quá số người quy định... xử phạt hành chính với số tiền gần 480 triệu đồng.

CSGT phối hợp với các lực lượng chức năng TTKS vào ban đêm

Theo Đại tá Võ Hoàng Nhớ, Trưởng Phòng CSGT tỉnh Cà Mau, TNGT thường xảy ra nhiều nhất là khoảng từ sau 18-24 giờ và phương tiện gây tai nạn nhiều nhất là mô tô, xe gắn máy. Vì vậy, tăng cường TTKS vào ban đêm là một trong những giải pháp tích cực để kéo giảm TNGT, cùng lúc kịp thời ngăn chặn tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự đô thị.

Đơn cử vụ phát hiện đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý vào đầu tháng 3. Khoảng 2 giờ, phát hiện thanh niên điều khiển phương tiện có biểu hiện nghi vấn, lực lượng làm nhiệm vụ đã ra hiệu dừng xe kiểm tra, phát hiện trong người thanh niên này có giấu hung khí và một bọc nhựa có chứa các viên tinh thể rắn màu trắng, tiếp tục kiểm tra cốp xe phát hiện có ống nhựa, ống thuỷ tinh… Qua đấu tranh của lực lượng làm nhiệm vụ, đối tượng khai nhận tên Lê D (ngụ Phường 7, TP Cà Mau), bọc nhựa có chứa các viên tinh thể rắn màu trắng là ma tuý do D mua từ TP Hồ Chí Minh. D được chuyển giao Công an TP Cà Mau xử lý.

Cần điều chỉnh quy định tốc độ

Trong năm 2016, lỗi vi phạm chạy quá tốc độ trên địa bàn tỉnh được phát hiện xử lý là 8.479 trường hợp (giảm trên 16.000 trường hợp so với cùng kỳ) và những tháng đầu năm nay, lỗi vi phạm này tiếp tục giảm sâu.

Vi phạm tốc độ giảm, ngoài việc lực lượng CSGT tăng cường xử lý theo chuyên đề, mức xử phạt cao… đã tác động đến ý thức của người TGGT, thì khách quan mà nhận xét nguyên nhân phần lớn là do thực hiện Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải “Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng TGGT đường bộ (có hiệu lực thi hành vào tháng 3/2016).

Việc quy định nâng tốc độ lưu thông phương tiện nhằm rút ngắn thời gian, thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, quy định chung trên toàn quốc, nhưng thực tế nhiều địa phương không phải tuyến đường nào cũng bằng phẳng, thông thoáng (kể cả tuyến quốc lộ đi ngang qua địa bàn) và như thế thì trật tự ATGT sẽ bị ảnh hưởng, bởi hạ tầng giao thông yếu kém, nhưng người điều khiển phương tiện TGGT lúc nào cũng muốn chạy ở mức quy định tốc độ tối đa.

Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau, hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ lần thứ 4 do Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Tốc độ”. Uỷ ban ATGT quốc gia vừa có kế hoạch mở cao điểm tuyên truyền và xử lý vi phạm tốc độ trên phạm vi toàn quốc (dự kiến từ ngày 8-14/5/2017).

Theo đó, đợt cao điểm sẽ tập trung vào 4 hoạt động chính, gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật tuyên truyền; tổ chức giao thông; chỉnh trang kết cấu hạ tầng; kiểm tra và xử lý vi phạm tốc độ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vi phạm về tốc độ thông qua hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô. Đồng thời, rà soát công tác tổ chức giao thông và điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo tốc độ trên phạm vi toàn quốc.

kimcuc

Nguồn: Báo Cà Mau

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)