Chạy quá tốc độ quy định dường như đã trở thành thói quen của nhiều người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là khi đã uống rượu, bia. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) và đường sắt quy định rất rõ mức xử phạt đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy quá tốc độ quy định. Theo đó, người điều khiển ôtô, xe gắn máy khi tham gia giao thông vi phạm lỗi chạy quá tốc độ tùy theo mức độ có thể bị xử phạt từ 100 nghìn đồng đến 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 6 tháng, thậm chí bị “treo” bằng vĩnh viễn.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp chạy quá tốc độ quy định, nhất là khi đã sử dụng rượu, bia. Do đó, giải pháp xử lý quyết liệt vi phạm tốc độ được xác định là một trong những chuyên đề trọng tâm được Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục, để ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Chạy quá tốc độ, nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang, Quý I/2017, toàn tỉnh xảy ra 35 vụ TNGT làm 35 người chết và 20 người bị thương. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xảy ra TNGT, nguyên nhân liên quan đến phương tiện chạy quá tốc độ dẫn đến tai nạn chiếm tỷ lệ khá cao và phần lớn là những vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Hưởng ứng “Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ lần thứ 4” của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2017, với chủ đề “Tốc độ”, các ngành chức năng tỉnh sẽ tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định tốc độ trên phạm vi toàn tỉnh An Giang.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhất là việc tuân thủ các quy định về tốc độ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và cảnh báo nguy cơ gây tai nạn giao thông khi phương tiện chạy quá tốc độ cho phép.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường đầu tư, xây dựng, nâng cao điều kiện bảo đảm ATGT, kiểm soát tốc độ, đặc biệt là ở khu vực đông dân cư, có đường giao nhau; đầu tư hệ thống giám sát và xử lý vi phạm về bảo đảm trật tự ATGT bằng hình ảnh trên hệ thống đường bộ, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi “Năm An toàn giao thông 2017”, kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương…