Quảng Bình: Báo động tai nạn giao thông tăng

Thứ hai, 08/05/2017 13:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau những nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) , bên cạnh những kết quả khả quan của Quý I/2017, trong tháng 4/2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, TNGT tăng cả về số vụ, số người chết và bị thương so với tháng 3 và 4 cùng kỳ năm 2016. Trong đó, đáng lưu ý là trên lĩnh vực đường bộ, đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Trước thực tế này, việc tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự ATGT là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Thống kê cụ thể cho thấy, trong tháng 4/2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ TNGT, làm chết 10 người, bị thương 13 người, tài sản thiệt hại ước tính trên 200 triệu đồng. So với tháng 3/2017 tăng 4 vụ, 1 người chết và 5 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ không tăng nhưng tăng 7 người chết, giảm 5 người bị thương.

Để bảo đảm trật tự ATGT, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trên lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng chức năng đã tổ chức 1.045 ca tuần tra kiểm soát với sự tham gia của trên 4.800 lượt cán bộ, chiến sĩ. Kết quả, đã có 2.028 trường hợp vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng và 210 trường hợp bị tước giấy phép lái xe.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, địa bàn trọng điểm... với 4.730 người tham dự. Công tác tuyên truyền cũng được tích cực triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống đài TT-TH các huyện, thị xã, thành phố, loa phát thanh xã, phường, thị trấn.

Lực lượng chức năng xử lý vi phạm đối với người và phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Lực lượng chức năng xử lý vi phạm đối với người và phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Qua phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT nói chung, các vụ TNGT nghiêm trọng và rất nghiêm trọng trong tháng 4/2017 nói riêng, nguyên nhân chủ yếu là do người và phương tiện tham gia giao thông đi sai làn đường, vượt sai quy định và không nhường đường, với 13/19 vụ.

Thực tế cho thấy, đi sai làn đường là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cho bản thân và những người xung quanh. Thế nhưng vẫn không ít người thản nhiên xem thường hành vi này hoặc thiếu kiến thức khi tham gia giao thông. Đặc biệt, đối với các em học sinh, tình trạng đi xe đạp dàn hàng ngang hay đi vào phần đường dành cho xe máy, xe ô tô vẫn thường xuyên xảy ra. Nhất là thời điểm tan trường, hầu như các loại xe cơ giới khác đành chấp nhận nhường đường để bảo đảm an toàn cho các em và bản thân.

Chị Phạm Thị Hồng Hạnh, phường Đồng Mỹ (thành phố Đồng Hới) cho biết: Không chỉ dàn hàng ngang khi lưu thông, nhiều em học sinh còn thản nhiên vượt đèn đỏ. Nên nhiều khi mặc dù tuyến đường đang đi là đèn xanh, tôi vẫn phải thường xuyên quan sát để tránh va chạm. Tôi mong nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục để các em chấp hành tốt pháp luật ATGT đường bộ, nhằm bảo đảm an toàn cho các em và người tham gia giao thông.

Còn chị Nguyễn Thị Lý, xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) chia sẻ: Không chỉ có ở thành phố hay thị xã mới xảy tình trạng lấn đường, vượt ẩu, mà ở nông thôn, vấn đề này cũng rất đáng lo ngại. Mặc dù xe ô tô, xe máy tham gia giao thông không nhiều, nhưng việc những người điều khiển phương tiện, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên, chạy xe tốc độ nhanh trên đường làng, lạng lách, đánh võng khiến chúng tôi rất lo sợ. Vì thế, mỗi khi ra đường, dù đi bộ thôi, chúng tôi cũng phải quan sát thật kỹ để không trở thành nạn nhân TNGT.

Từ những hậu quả và nguyên nhân nêu trên, để kiềm chế và đẩy lùi TNGT, việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho người dân là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát; không ngừng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, đi không đúng làn đường, vượt đèn đỏ; phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm luồng tuyến, chở quá số người quy định... Đối với các hành vi phạm quy định về trật tự ATGT có dấu hiệu tội phạm, nhất là các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trở lên cần xử lý nghiêm.

Trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý các vụ việc vi phạm, lực lượng chức năng cần phối hợp khảo sát, nắm bắt thông tin và có các kiến nghị, đề xuất để giải quyết các “điểm đen” TNGT. Thực tế cho thấy, khi các “điểm đen” này được quan tâm xử lý sẽ tạo thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông, TNGT sẽ giảm.

Một trong những “điểm đen” từng xảy ra nhiều vụ tai nạn và va chạm giao thông là ngã tư Ba Đồn - Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn), sau khi được đầu tư hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tỷ lệ TNGT ở đây giảm hẳn và không còn là “điểm đen” khiến người và phương tiện khi lưu thông qua đây phải lo ngay ngáy như trước. 

Những năm gần đây, với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị,  Quảng Bình là địa phương nắm trong nhóm các tỉnh, thành phố giảm sâu về số vụ, số người chết và bị thương. Để tiếp tục giữ vững thành tích này, đồng thời thực hiện tốt chủ đề nă m 2017 là  “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương nhằm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, quản lý phương tiện, đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông... là vô cùng quan trọng.

Tin rằng, từ những hiệu quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và các bài học được rút ra, công tác bảo đảm trật tự ATGT sẽ được quan tâm đẩy mạnh, để không còn những nỗi đau do TNGT gây ra, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.


 

bichtt

Nguồn: Báo Quảng Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)