6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm tử vong 32 người, bị thương 47 người. Để giảm thiểu TNGT đến mức thấp nhất, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp mạnh, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Lực lượng CSGT Công an TX Đông Triều cân kiểm tra trọng tải phương tiện
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, năm 2016 là năm thứ 6 liên tiếp, Quảng Ninh giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Nếu như năm 2010 trên địa bàn tỉnh xảy ra 298 vụ TNGT, làm chết 161 người, bị thương 302 người, thì đến năm 2016, con số này đã giảm trên 50% với 137 vụ, 81 người chết và 123 người bị thương. Qua đó, có thể thấy sự nỗ lực, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 51 vụ TNGT đường bộ, làm chết 32 người và bị thương 47 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ giảm 4 vụ, số người chết giảm 6 người.
Đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: “Để giảm các vụ TNGT, chúng tôi luôn bám sát chủ đề năm của Uỷ ban ATGT quốc gia và chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể cũng vào cuộc rất quyết liệt để đưa ra những giải pháp làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Chính vì vậy, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm đã được hạn chế tới mức thấp nhất, đặc biệt là tình trạng vi phạm các lỗi trực tiếp dẫn đến TNGT như: Chạy quá tốc độ, lấn làn...”.
Một trong những chuyển biến tích cực nhất đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT thời gian qua của Quảng Ninh đó là đã tập trung xử lý các lỗi vi phạm về xe chở quá tải, tự ý cải tạo kích thước thùng xe. Các lực lượng chức năng cũng đã kiên quyết xử phạt bổ sung và kiểm soát việc thực hiện thu hồi phù hiệu, tước GPLX, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường; doanh nghiệp nào có nhiều xe vi phạm đề nghị thu giấy phép kinh doanh hoặc tạm đình chỉ có thời hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác đảm bảo trật tự ATGT cũng còn nhiều việc phải làm. Đó là việc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh tại một số địa phương, sở, ngành còn chậm, chưa thực sự quyết liệt. Hoạt động tại một số bến thuỷ nội địa vẫn còn vi phạm như: Bến khách Mũi Ngọc (TP Móng Cái), cấp phép hoạt động bến khách ngang sông tại TX Đông Triều, TX Quảng Yên... Bên cạnh đó, công tác quản lý trật tự đô thị tại một số địa phương chưa có quy định cụ thể, chi tiết về sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông, chưa triển khai cấp phép đối với từng hộ, việc quy trách nhiệm chưa cụ thể, chính vì vậy tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan. Anh Phan Văn Tuấn, cư trú tại phường Cẩm Trung (TP Cẩm Phả) cho biết: “Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân còn rất kém, chính vì vậy tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra. Để chấm dứt tình trạng này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân”.
Công tác quản lý hoạt động vận tải khách đường bộ cũng còn một số bất cập, như không xử lý dứt điểm các điểm đón khách trái quy định, chưa có điểm đón cho xe khách tuyến cố định trên toàn tuyến trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền của một số đơn vị, tổ chức hội vẫn còn mang tính phong trào, hình thức, thiếu cụ thể, chưa sát thực tiễn; chế độ thông tin, báo cáo còn chưa kịp thời, đặc biệt những vụ TNGT liên quan đến xe khách, TNGT đường thuỷ trong vùng nước cảng, bến. “6 tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục có các kế hoạch, chương trình cụ thể để siết chặt công tác đảm bảo trật tự ATGT, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm từ 5 đến 10% số vụ TNGT so với năm 2016. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần phải chủ động nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông khi tham gia giao thông” - đồng chí Nguyễn Thị Hiền cho biết thêm.