Thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỗi huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều đã thành lập Ban An toàn giao thông cấp huyện. Nhưng thực tế cho thấy, thời gian qua hoạt động của các Ban này chưa đi vào thực chất, kém phát huy hiệu quả.
Ban An toàn giao thông huyện Ba Bể phối hợp với Thanh tra Sở GTVT
xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ tại huyện Ba Bể
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đã giảm được cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Riêng 06 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn gia thông, làm chết 11 người, bị thương 32 người. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ tai nạn giảm 16 vụ, số người chết giảm 07 người, số người bị thương giảm 11 người.
Đạt được kết quả trên là do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và Ban an toàn giao thông các địa phương. Để nâng cao trách nhiệm của các thành viên cũng như phát huy vai trò của Ban an toàn giao thông cấp cơ sở... Ngay từ đầu năm, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phân công thành viên theo dõi, phụ trách từng địa bàn và chỉ đạo sát sao công tác triển khai thực hiện của Ban An toàn giao thông các huyện; trực tiếp xuống thăm nắm tình hình để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những vấn đề còn tồn đọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các địa phương. Nhờ đó đã nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, thành viên của Ban An toàn giao thông, góp phần giảm thiểu nhiều nguy cơ phát sinh tai nạn giao thông trên địa bàn. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế, đặc biệt là đã có 6/8 huyện, thành phố giảm từ 2 - 3 tiêu chí về tai nạn giao thông".
Tuy nhiên, theo Ban An toàn giao thông tỉnh, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ chưa giải quyết dứt điểm; còn có hộ dân xây dựng công trình trái phép trên đất hành lang giao thông, làm lán che khuất tầm nhìn gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông; nhiều hộ dân phơi nông sản, thóc lúa giữa lòng đường gây mất an toàn giao thông trên các tuyến đường; đặc biệt là tình trạng xe ô tô chở quá tải gây hư hại công trình giao thông vẫn diễn ra mặc dù nhiều địa phương đã được trang bị cân kiểm tra tải trọng xe xách tay; tai nạn giao thông và các vi phạm trật tư an toàn giao thông tại các tuyến đường nông thôn...
Với mục đích triển khai hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bên cạnh lực lượng chuyên trách (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông…) thì tại các địa phương, tại mỗi huyện và thành phố đều đã thành lập Ban An toàn giao thông cấp cơ sở (cấp huyện, cấp xã). Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, chủ động vào cuộc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, công tác chỉ đạo, điều hành gần như được khoán trắng cho phòng kinh tế và hạ tầng. Các cơ quan thành viên của Ban An toàn giao thông các huyện chậm xây dựng kế hoạch hoạt động để phối hợp thực hiện; việc triển khai và đôn đốc thực hiện các chương trình, kế hoạch đề ra chưa thường xuyên, liên tục do đó hiệu quả hoạt động thấp. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đã được triển khai rộng khắp, tuy nhiên chủ yếu là do cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện, cấp xã chưa thực sự quan tâm công tác này. Hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, chưa đúng đối tượng thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong khi đó vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2017 là giảm 5 - 10% cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông và hạn chế các vi phạm trật tự an toàn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là trong những tháng cuối năm. Nhiệm vụ đầu tiên được xác định chính là nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cụ thể là: “Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên. Nêu cao trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối của người đứng đầu cơ quan, đơn vị”. Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố, các cơ quan thành viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Kiềm chế tai nạn giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền tại mỗi địa phương phải phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban An toàn giao thông cấp cơ sở. Có như vậy, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông mới đạt hiệu quả tốt và tai nạn giao thông trên địa bàn mới có thể kiềm chế một cách bền vững.