Tai nạn giao thông (TNGT) đang trở thành hiểm hoạ hàng ngày, hàng giờ cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Trung bình mỗi ngày trên toàn quốc có 24 người chết, hơn 60 người bị thương.
Đáng chú ý là trong số người chết vì TNGT, có tới 40% là người trẻ tuổi. Tổn thất về người và của do TNGT gây ra là vô cùng nặng nề. Ngân sách quốc gia tiếp tục gồng gánh hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhằm khắc phục hậu quả TNGT.
Cán bộ, chiến sỹ Công an tham gia diễu hành hưởng ứng Tháng ATGT
Cố gắng bước đầu
Ninh Bình là nơi có tuyến đường sắt, đường bộ Bắc Nam đi qua và có nhiều khu, điểm du lịch, phương tiện tham gia giao thông nhiều thời điểm tăng đột biến. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tình hình trật tự ATGT vẫn được kiềm chế, TNGT năm sau giảm hơn năm trước kể cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Trên địa bàn tỉnh không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, Ninh Bình là tỉnh được Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao trong công tác bảo đảm TTATGT. Đạt được kết quả trên là nhờ có sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhằm đảm bảo TTATGT. Toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT.
Thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Trong triển khai thực hiện, đã xây dựng và thực hiện được quy hoạch các bến xe khách. Việc cấp phép mở tuyến xe khách được thực hiện đúng theo quy định.
Các tuyến xe khách liên tỉnh và nội tỉnh cơ bản đủ phương tiện đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe được thực hiện đúng quy định. Từ tháng 6/2015 đến nay toàn tỉnh đã thực hiện 77 khóa đào tạo sát hạch lái xe ô tô các hạng và cấp 16.246 giấy phép lái xe ô tô.
Tuyến đường sắt qua tỉnh dài 21,5 km, không để phát sinh đường ngang trái phép. Trật tự ATGT tại các đường ngang đã được ngành đường sắt và chính quyền địa phương phối hợp xây dựng chốt gác. Việc giải toả hành lang ATGT, điều chỉnh bổ sung biển báo được thực hiện tốt.
Các tuyến giao thông đường thuỷ nội địa gồm 4 sông do Trung ương quản lý với chiều dài 155,5km và 12 sông địa phương quản lý với chiều dài 143 km, được quản lý chặt theo Luật Giao thông đường thủy. Trên tuyến đường thủy đã có hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu tương đối đầy đủ; không có chướng ngại vật làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các phương tiện. Các bến khách ngang sông và các khu, điểm du lịch có hoạt động vận chuyển bằng thuyền đã được đổ bê tông và đá cấp phối, đảm bảo cho khách lên xuống thuận lợi an toàn.
Công tác kiểm tra, rà soát công bố danh sách phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện theo đúng yêu cầu đề ra. Công tác đăng kiểm phương tiện được thực hiện đảm bảo quy định hiện hành, thông qua công tác kiểm định đã loại bỏ không cấp phép lưu hành đối với hàng trăm lượt phương tiện. Nhiều phương tiện hết niên hạn sử dụng đã được cơ quan chức năng thu hồi và tiêu huỷ.
Về kiểm soát tải trọng xe, các ngành, UBND các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo thiết lập trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, đồng thời tổ chức sử dụng thêm các cân điện tử xách tay, tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm ở các mỏ, cảng, điểm bốc xếp hàng hóa trên địa bàn, tình trạng xe quá tải được kiềm chế.
Còn đó những nỗi lo
Bên cạnh kết quả đã đạt được, có thể thấy công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm TTATGT đường sắt, tình trạng các phương tiện vận tải khách vi phạm chạy không đúng hành trình, quá tốc độ, dừng đỗ không đúng nơi quy định, chở quá số khách cho phép vẫn còn diễn ra. Việc duy trì hoạt động của các chốt gác tại đường ngang qua đường sắt còn gặp nhiều khó khăn. Các chốt gác do địa phương lập ra chưa duy trì được 24/24 giờ.
Một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT có lúc có nơi còn yếu dẫn đến vi phạm pháp luật về ATGT, gây nguy hiểm cho hoạt động giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Vẫn còn các bến thuỷ nội địa chưa được cấp phép theo quy định. Một số bến thuỷ vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông không sử dụng phao cứu sinh. Tình trạng phương tiện cố tình chở hàng hoá quá vạch mớn nước theo quy định còn xảy ra.
Việc xử lý các vi phạm về giao thông thủy gặp khó khăn do không có nơi neo đậu lưu giữ phương tiện vi phạm. Việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định mặc dù đã được thống kê rà soát tuyên truyền nhắc nhở thường xuyên, liên tục nhưng một số tổ chức, cá nhân có phương tiện đã hết hạn sử dụng hoặc hết hạn đăng kiểm vẫn cố tình sử dụng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Do lực lượng Thanh tra duy trì công tác kiểm soát tải trọng xe còn mỏng, việc kiểm soát tải trọng chưa đạt được như mong muốn, trên địa bàn vẫn còn các phương tiện chở quá tải chạy vào ban đêm hoặc các thời điểm không có lực lượng chức năng kiểm soát.
Việc lựa chọn vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng lưu động trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường vào khu vực mỏ, đầu mối xếp hàng gặp khó khăn.
Các tuyến đường tỉnh, đường huyện mặt đường hẹp, tại các mỏ vật liệu chủ yếu là đường tạm, gồ ghề, hẹp, không đủ điều kiện để bố trí thiết bị cân. ý thức chấp hành của một số chủ phương tiện, đội ngũ lái xe chưa cao, một số lái xe còn có phản ứng chống đối, gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm...
Giải pháp trong thời gian tới
Để thực hiện tốt hơn các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, Ban An toàn giao tỉnh chỉ đạo siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc” trong hoạt động vận tải hành khách.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải.
Tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe trên cơ sở tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định lắp đặt và khai thác thiết bị giám sát hành trình và công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đối với xe chở khách tại các doanh nghiệp vận tải.
Đẩy mạnh khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, tăng cường giám sát xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện nghiêm các quy định theo hướng siết chặt công tác đăng kiểm đối với phương tiện kinh doanh vận tải, nâng cao chất lượng quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện vận tải. Tổ chức khai thác hiệu quả, bảo đảm điều kiện an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông.
Thực hiện tốt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020. Phối hợp với cơ quan quản lý khai thác đường sắt và chính quyền địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông ở các đường ngang và lối đi dân sinh, không để phát sinh thêm đường ngang trái phép, chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xoá bỏ các đường ngang trái phép.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cảng, bến và phương tiện thủy nội địa chưa đáp ứng quy định về an toàn, đặc biệt là các bến đò ngang và đò du lịch không có phương tiện cứu sinh và chở quá số người quy định.
Tăng cường thực hiện công tác điều tiết khống chế đảm bảo giao thông tại nơi có mật độ giao thông cao, luồng lạch khan cạn, nơi thi công các công trình có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy; kết hợp tổ chức, điều tiết đảm bảo giao thông với chống va trôi tại các vị trí cầu trọng điểm.
Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải khách đường bộ và đường thuỷ nội địa, nhất là các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, chở quá số người quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; tổ chức lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và các “điểm đen” tai nạn giao thông.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TTATGT. Nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình, nội dung tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức cho mọi người khi tham gia giao thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về trật tự ATGT.