Nam Định: Để không còn nỗi đau vì tai nạn giao thông

Thứ hai, 20/11/2017 15:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tai nạn giao thông (TNGT) đã và đang trở thành vấn nạn của toàn xã hội, gây ra nỗi đau lớn cho hàng chục nghìn gia đình mỗi năm. Hậu quả của nhiều vụ TNGT có thể là thương tật suốt đời, thậm chí là chính mạng sống của người tham gia giao thông, để lại những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho người thân...

Đại diện Ban ATGT tỉnh và lãnh đạo huyện Ý Yên thăm hỏi, tặng quà
gia đình nạn nhân Đinh Quốc Việt, thôn Phù Đô, xã Yên Thắng tử vong vì TNGT

Trong buổi chi trả tiền bảo hiểm cho nạn nhân vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Gia Lai hồi tháng 5/2017, chúng tôi có dịp gặp lại người thân của các nạn nhân bị tử vong và những nạn nhân “may mắn” hơn chỉ bị thương.

Vụ TNGT đã trôi qua hơn nửa năm, nhưng qua lời tâm sự của những người trong cuộc, chúng tôi cảm nhận được họ đã trải qua những ngày tháng không dễ dàng bởi sự ra đi đột ngột của người thân vì TNGT. Không quá khó để nhận thấy sự già đi nhanh chóng của vợ anh Nguyễn Văn Vượng, xã Giao Nhân (Giao Thủy), người lái xe khách đã bị tử vong trong vụ tai nạn. Dù đã vượt qua cơn sang chấn tâm lý vì sự ra đi đột ngột của người bạn đời nhưng nỗi đau xót tột cùng vì đã mất đi điểm tựa trong cuộc sống và những giá trị yêu thương nhất trong cuộc đời vẫn đọng sâu trong ánh mắt người đàn bà góa bụa. Ở cái tuổi lên ông, lên bà, con cái đã trưởng thành và tách riêng, mới đây thôi khi anh còn sống, anh chị đã dự tính sẽ cùng nhau chia sẻ tuổi già “tự do” không còn phải lo cho con cái, vui hưởng tổ ấm gia đình thuận hòa mà anh chị đã dầy công vun đắp suốt những tháng ngày tuổi trẻ. Vì vậy, dù con cháu luôn cố gắng quây quần để động viên mẹ nhưng tinh thần chị vẫn kiệt quệ, héo sầu bởi nỗi đau vĩnh viễn mất đi người bạn đời tử tế, đức độ!

Nhìn dáng vẻ người vợ trẻ của anh Nguyễn Văn Đản, sinh năm 1987 ở xã Hải Đông (Hải Hậu), là lái phụ của xe khách cũng bị tử vong trong vụ tai nạn thật khó cầm lòng vì tình cảnh éo le của chị. Từ ngày anh Đản mất, hai bên nội, ngoại đều quan tâm, giúp đỡ mẹ con chị về cả tinh thần lẫn vật chất nhưng không ai có thể đỡ đần với chị gánh nặng vừa làm cha, vừa làm mẹ của 3 đứa trẻ. Không chỉ có chị phải gồng mình, ráng sức, cả ba đứa nhỏ con anh Đản, để trưởng thành cũng phải nỗ lực hơn gấp bội những đứa trẻ có đủ đầy sự yêu thương, chăm sóc và giáo dưỡng của cả cha và mẹ. Hậu quả sau TNGT không chỉ làm thay đổi cuộc đời của những gia đình có người bị tử vong, cả những người bị thương cũng có thể rơi vào những tình cảnh khó khăn.

Anh Trần Văn Đàm, sinh năm 1983, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) phụ xe trong chuyến xe định mệnh này. Sau khi tai nạn xảy ra, dù đã được cấp cứu kịp thời, nhưng không may bị vỡ đốt cột sống, gẫy chân và vỡ xương gót nên đến nay chân anh không thể di chuyển như người bình thường, sức khỏe cũng giảm sút nghiêm trọng. Hiện anh không thể theo nghề phụ xe mà phải mưu sinh bằng nghề làm ruộng và những công việc lặt vặt để duy trì cuộc sống hằng ngày. Anh rất buồn vì mình không còn cơ hội lựa chọn những công việc cho thu nhập cao để có thể làm trụ cột kinh tế trong gia đình. Anh tâm sự: Phải trải qua sự kinh hãi, bàng hoàng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, tận mắt chứng kiến những người đi chung chuyến xe với mình bị tử nạn, anh hiểu rõ giá trị của việc mình còn cơ hội được sống sót.

Theo đồng chí Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh: Ngoài 3 trường hợp kể trên, chỉ riêng vụ TNGT kinh hoàng tại Gia Lai đã làm 13 người tử vong, 32 người khác bị thương cũng cho chúng ta thấy còn rất nhiều người vợ, người chồng, người mẹ, người cha và những đứa con phải rơi vào cảnh mất mát, buồn thương không gì bù đắp nổi, còn rất nhiều người bị tàn phế suốt đời, nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, kiệt quệ về kinh tế... khi mà mỗi ngày trên cả nước vẫn còn hàng chục người chết và bị thương vì TNGT. Để chia sẻ nỗi đau sau TNGT, góp thêm một phần động lực giúp các gia đình thân nhân các nạn nhân vượt qua khó khăn, hằng năm, Ban ATGT tỉnh, các địa phương đều tập trung thực hiện đợt cao điểm tổ chức các hoạt động thiết thực và ý nghĩa để hưởng ứng sự kiện “Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT”.

Năm nay, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng, tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THPT, THCS trong toàn tỉnh đều dành một phút tưởng niệm và đọc thông điệp tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT vào lễ chào cờ. Các địa phương đều tổ chức các đoàn thăm hỏi động viên, có hình thức giúp đỡ phù hợp với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có người thân bị TNGT; đồng thời lồng ghép tuyên truyền để người dân thấy được những hệ lụy kinh tế - xã hội dai dẳng do TNGT đối với mỗi con người, gia đình và cả cộng đồng. Các địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí, các tổ chức hội, đoàn thể cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa của việc tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT; cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của TNGT; nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến TNGT, cũng như biện pháp phòng tránh…

Từ đó, nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Với mục tiêu “hành động vì người ở lại”, năm nay, ngành chức năng và các địa phương đã tăng cường khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn. Trong đó, toàn tỉnh đã quyết liệt thực hiện công tác lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền trong quản lý công tác bảo đảm trật tự ATGT. Ngành GTVT đã đẩy mạnh rà soát, sửa chữa, nâng cấp chất lượng hạ tầng các công trình giao thông để đảm bảo hành lang an toàn, đảm bảo mọi người có đủ điều kiện an toàn nhất khi tham gia giao thông. Lực lượng Thanh tra giao thông và Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT đường bộ như: chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt, dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định, vượt đèn đỏ…

Tại các  địa bàn nông thôn phức tạp về trật tự ATGT, tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển xe máy, ô tô. Bố trí đủ lực lượng, phương tiện, phối hợp với ngành GTVT tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý xe ô tô chở hàng hóa quá tải trọng. Trên đường sắt, tập trung kiểm tra tại các vị trí đường ngang trái phép, phức tạp về ATGT. Trên đường thủy, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về phương tiện chở quá tải, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn…

Để không còn những nỗi đau vì TNGT, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng và các cấp chính quyền, bản thân mỗi người khi tham gia giao thông cần phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, chung sức cùng cộng đồng ngăn chặn, đẩy lùi TNGT; xây dựng cho được “Văn hóa giao thông” với thái độ quyết tâm “An toàn mọi lúc - hạnh phúc mọi nơi”./.

kimcuc

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)