Các hoạt động tưởng niệm được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật giao thông, phòng tránh TNGT...
Chị Phạm Thị Nhật L. (ở xã Thống Nhất, Gia Lộc) qua đời trong một vụ TNGT
khiến con nhỏ phải nhờ vào sự cưu mang của bà nội
Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) hằng năm là dịp để nhắc nhớ mỗi người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chấp hành pháp luật giao thông, quan tâm đến tính mạng, sức khỏe của cá nhân, của người thân và cả cộng đồng xã hội.
Nỗi đau còn mãi
Mặc dù còn nhỏ để có thể cảm nhận được nỗi đau quá lớn, song qua thời gian, bé H. ở phường Hoàng Tân (Chí Linh) đã hiểu được sự hụt hẫng, thiếu thốn khi phải sống trong cảnh không cha, không mẹ. Mùng 1 Tết đúng 2 năm trước, khi chỉ vừa 6 tuổi, bé H. đã mất đi cả cha và mẹ do một TNGT thảm khốc. Từ đó đến nay, bé H. chỉ còn bấu víu vào ông bà nội. Nhưng ông là thương binh đã già, bà cũng đã yếu, lay lắt như ngọn đèn trước gió. Họ hàng hai bên cũng không khá giả gì nên chỉ có thể hỗ trợ khi thì cân gạo, khi thì chút thức ăn. Chi tiêu của cả gia đình hiện chỉ trông vào tiền trợ cấp của người ông và thu nhập từ hơn 1 sào ruộng.
Tháng 7/2017, chị Phạm Thị Nhật L. (sinh năm 1980, ở thôn Khay, xã Thống Nhất, Gia Lộc) qua đời sau một TNGT, để lại 2 con. Đứa lớn 13 tuổi, đứa bé mới tròn 7 tuổi. Chị L. mất đi, 2 đứa con những tưởng trông chờ vào bố, song anh lại phát bệnh tâm thần. Giờ 2 cháu do một tay bà nội chăm sóc, vì ông nội đã qua đời. Với hơn 3 triệu đồng tiền lương hưu của bà nội, cả nhà phải chi tiêu dè dặt, giật gấu vá vai mới đủ. Bà nội của 2 đứa trẻ chỉ lo đến khi bà không còn nữa thì các cháu biết bấu víu vào ai, cuộc sống thế nào?
Các cháu bé nói trên chỉ là 3 trong số hàng trăm nạn nhân gián tiếp do TNGT tính từ cuối năm 2016 đến nay. Mặc dù không trực tiếp liên quan đến TNGT, song hậu quả mà những nạn nhân này phải gánh chịu rất lâu dài, có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), từ ngày 16/11/2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 195 vụ TNGT đường bộ, làm 147 người chết. Cũng từ cuối năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có đến 114 người bị thương do TNGT. Với những nạn nhân trực tiếp này, người đã mất mạng, người mang nỗi ám ảnh kinh hoàng về TNGT. Nhiều người may mắn giữ lại được tính mạng song bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sức lao động; nhiều người thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.
"3 phải và 3 không"
Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam có tới 6.827 người chết và 11.785 người thương tật suốt đời do TNGT. Hậu quả là hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người trở thành nạn nhân gián tiếp, bị ảnh hưởng lâu dài về vật chất, tinh thần mặc dù không liên quan đến TNGT.
Nhiều năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT), kiềm chế TNGT. Tháng 11 hằng năm - thời gian diễn ra hoạt động tưởng niệm nạn nhân TNGT, công tác thăm hỏi, động viên tinh thần, vật chất đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT được tăng cường. Từ đầu tháng 11 đến nay, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh; Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; lực lượng cảnh sát giao thông... đã trực tiếp động viên, thăm hỏi các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNGT.
Ban ATGT tỉnh đã có cả một kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Thông qua hoạt động tưởng niệm nhằm cảnh báo toàn xã hội về thảm họa TNGT; các nguyên nhân và nguy cơ gây TNGT.
Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm nay mang thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” và khẩu hiệu chính: "Tính mạng con người là trên hết", "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại". Đây cũng là dịp kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng với những mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT. Các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống phát thanh, truyền thanh trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền các khẩu hiệu hành động “3 phải và 3không”. Đó là: "Phải đi đúng phần đường, làn đường", "Phải giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính", "Phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình"; "Không điều khiển xe sau khi uống rượu, bia"; "Không phóng nhanh, vượt ẩu, rẽ bất ngờ", "Không chở quá số người quy định".
Các hoạt động tưởng niệm năm nay được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật giao thông, phòng tránh TNGT, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế và giảm dần TNGT trong toàn tỉnh.