Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 16/10/2016 đến ngày 15/10/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông, làm chết 65 người, bị thương 26 người.
Tai nạn giao thông đang là nỗi ám ảnh của người dân và là vấn nạn của toàn xã hội. Đằng sau những vụ tai nạn giao thông, cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn, rơi vào một bước ngoặt khó lường. Đối với những người may mắn sống sót thì gánh chịu những hệ lụy, bi kịch đeo bám suốt cuộc đời còn lại.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, hậu quả để lại rất nặng nề và không thể bù đắp. Sau tai nạn, cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn, thậm chí rơi vào cảnh bi kịch. Có những người may mắn sống sót nhưng mang thương tật vĩnh viễn; có những người xấu số ra đi mãi mãi, để lại những khoảng trống không thể bù đắp cho người ở lại.
(Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 16/10/2016 đến ngày 15/10/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông, làm chết 65 người, bị thương 26 người.
Hơn 1 tháng sau cái chết do tai nạn giao thông của hai cha con ông Vũ Xuân Trường và anh Vũ Văn Quảng ở tổ 10, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ), gia đình bà Phạm Thị Diến vẫn chưa hết nguôi ngoai. Không có gì đau đớn bằng việc chỉ trong thời gian ngắn hai người thân thiết của mình gặp nạn, ra đi mãi mãi.
Nhắc lại vụ tai nạn giao thông cướp đi chồng và con trai, bà Diến vẫn chưa hết bàng hoàng. Gạt những giọt nước mắt, bà chia sẻ: Quảng sinh năm 1983, là con cả trong gia đình, đã có vợ và con nhỏ đang học mẫu giáo. Hai vợ chồng cùng làm công nhân nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Chiều ngày 6/10/2017, sau khi đi làm về Quảng điều khiển xe máy chở bố lên thăm người thân bị ốm tại Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, trên đường từ Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực trở về thì gặp tai nạn trên quốc lộ 10. Cú va chạm mạnh đã làm hai bố con tử vong tại chỗ. Giờ đây, mỗi bữa cơm gia đình thiếu đi hai thành viên, cảm giác lạnh lẽo, nghẹn ngào bao trùm lên căn nhà nhỏ. Vì thương con dâu còn trẻ và cháu nội còn quá nhỏ, tôi cũng phải gắng gượng để làm trụ cột trong gia đình, làm chỗ dựa tinh thần cho con, cháu.
May mắn hơn người đã chết, nhiều người sống sót sau những vụ tai nạn giao thông, trở về với gia đình nhưng cả quãng đời còn lại phải ngồi trên chiếc xe lăn hoặc nằm bất động trên giường bệnh, cuộc sống chỉ còn biết nương nhờ người thân.
Anh Bùi Văn Long ở thôn Bắc Sơn, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình từng là thanh niên trai tráng, đang mang trong mình nhiều hoài bão. Cũng chỉ vì tai nạn giao thông, hơn hai năm nay anh phải sống cuộc sống thực vật, gia đình phải chăm sóc từng li từng tí, sức khỏe anh ngày càng yếu, chỉ còn da bọc xương.
Ông Bùi Văn Dục (bố của anh Long) cho biết: Đầu tháng 10/2015, trong một buổi chiều trên đường đi làm về Long bị một thanh niên là người cùng địa phương điều khiển xe máy với tốc độ cao tông vào. Cú tông mạnh khiến Long ngã xuống đường, đầu đập xuống đất gây chấn thương sọ não, thương tật lên đến 94%. Long đang là trụ cột kinh tế trong gia đình, từ khi bị tai nạn cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu tá Phạm Văn Kiểm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh cho biết: Đa số các nạn nhân của tai nạn giao thông đều đang trong độ tuổi lao động. Tai nạn giao thông không những để lại những di chứng đeo bám cả cuộc đời mà còn những hệ lụy đáng buồn cho gia đình và xã hội. Qua phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông cho thấy, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn thấp. Để đẩy lùi tai nạn giao thông, đặc biệt là những tai nạn nghiêm trọng, thời gian qua, tỉnh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao ý thức chấp hành về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của người dân. Bên cạnh đó, để tránh những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, người dân cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, cẩn trọng khi tham gia giao thông, đặc biệt là không uống rượu, bia khi tham gia giao thông, đó chính là văn hóa trong giao thông, là sự an toàn cho chính mình và cộng đồng xã hội.