Lâm Đồng: Quản lý hành lang an toàn đường bộ còn nhiều bất cập

Thứ tư, 23/05/2018 09:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều tuyến quốc lộ đi qua địa bàn Lâm Đồng vẫn xảy ra vi phạm hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) gây nguy cơ mất an toàn trong giao thông. Vậy đâu là nguyên nhân và hướng khắc phục hiệu quả?

Nhiều tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh xảy ra vi phạm HLATĐB khá phổ biến. Ảnh: H.Y

Vi phạm tràn lan

Hành lang an toàn đường bộ có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo giao thông, phát triển giao thông và các kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác như cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc... Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ HLATĐB đặc biệt coi trọng, quy định trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành, chính quyền địa phương.

Qua công tác triển khai lập lại hành lang an toàn đường bộ, ngành chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm đến HLATĐB, chủ yếu là hàng rào, trụ cổng, biển hiệu, mái che, công trình phục vụ nông nghiệp..., đặc biệt những khu vực có chợ là nơi thường xuyên vi phạm của các hộ kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Út, chủ cửa hàng trái cây ở thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) cho biết: “Mình không biết giới hạn của HLATĐB tới đâu, cũng chẳng biết mình vi phạm như thế nào, chỉ biết là buôn bán lề đường gây nguy hiểm cho giao thông nhưng vì mưu sinh nên đành bất chấp để bán, bởi chỉ có bám mặt đường nơi giao thông thuận lợi thì mới có thể làm ăn được”. 

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bảo Lâm cho biết, do việc đô thị hóa, dân cư phát triển nhanh nên tình trạng vi phạm HLATĐB trên các tuyến đường trên địa bàn huyện ngày càng phức tạp, phổ biến nhất hiện nay là lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình nhà ở, lều quán, xây dựng các cổng hàng rào, mái che... Chính vì vậy, thời gian qua, Bảo Lâm đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra để lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ. Từ đó, có cơ sở để quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ trên toàn tuyến. Tuy nhiên, ý thức chấp hành quy định về bảo vệ đất dành cho đường bộ của người dân còn hạn chế. 

Khó khăn trong xử lý dứt điểm 

Trong quá trình lập lại trật tự HLATĐB trên một số tuyến, các hộ vi phạm là người dân tộc thiểu số nên việc hướng dẫn, tuyên truyền, chỉ ra vi phạm còn gặp nhiều khó khăn, một số trường hợp cố ý trốn tránh. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp vi phạm không cố ý như xây dựng công trình kiên cố trước thời điểm nâng cấp đường nên trong quá trình xác định vi phạm, các hộ dân không chấp nhận vi phạm.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, khó khăn nhất trong quản lý HLATĐB, đó là mật độ dân cư tập trung trên các tuyến đường ngày càng lớn, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo ATHLĐB dẫn đến ý thức chấp hành việc giải tỏa chưa cao, do đó công tác điều tra, kiểm đếm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ HLATĐB, dẫn đến các vi phạm phát sinh không được xử lý triệt để từ ban đầu đã tạo thành tiền lệ xấu cho việc người dân lấn chiếm và tái lấn chiếm HLATĐB. Bên cạnh đó, các tuyến đường rộng lớn, lực lượng tham gia công tác kiểm đếm, điều tra hiện trạng HLATĐB còn mỏng, nên công tác triển khai gặp nhiều khó khăn và còn chậm.

Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, trong thời gian tới, Sở GTVT Lâm Đồng sẽ tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý hành lang an toàn đường bộ, đất của đường bộ. Tiếp tục thực hiện việc cắm mốc, cắm bảng chỉ dẫn lộ giới đối với các tuyến đường huyện, đường xã, trục đường thôn của các xã còn lại để có cơ sở quản lý lộ giới, hành lang an toàn đường bộ. Tăng cường công tác quản lý sử dụng đất, cấp phép xây dựng dọc các tuyến đường theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép đất trong hành lang an toàn đường bộ theo thẩm quyền. Đồng thời, Sở cũng sẽ tăng cường phối hợp với UBND các huyện và xã tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn và thực hiện cắm mốc xác định hành lang an toàn đường bộ đối với những đoạn tuyến nằm ngoài quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới.

toanld

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)