Thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nghiêm trọng, chủ yếu tại các điểm đường sắt giao cắt với đường bộ (đường ngang dân sinh). Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm ATGT tại các đường ngang dân sinh.
Mỗi người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông và các quy tắc
giao thông an toàn khi đi qua điểm giao cắt đường sắt
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến các vụ TNGT đường sắt gia tăng xuất phát từ hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện qua đường ngang. Trong đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt. Tại Bắc Ninh, từ năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí xây dựng, duy trì các chốt trực cảnh giới đảm bảo ATGT tại 11 điểm giao cắt đường bộ với đường sắt. Công tác trực cảnh giới luôn được thực hiện 24/24h.
Sự xuất hiện của các chốt trực cảnh giới đã góp phần xóa bỏ nhiều điểm nóng về TNGT đường sắt. Đơn cử tại điểm đường ngang giao cắt với đường sắt dẫn vào khu Đống Cao (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh). Với vị trí là cửa ngõ ra vào khu vực làng nghề, lưu lượng người và phương tiện đông đúc, thường xuyên có xe tải chở nguyên vật liệu, hàng hóa trọng tải lớn chạy qua, việc bảo đảm ATGT tại đây gặp không ít khó khăn. Bà Vũ Thị Vân, trực tại chốt cảnh giới đường ngang Đống Cao cho hay: “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi cương quyết không cho người và các phương tiện giao thông vượt gác chắn khi có tín hiệu báo tàu đến; đồng thời nhắc nhở thực hiện đúng quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; bảo đảm vận hành thông suốt và phối hợp chặt chẽ từ bộ phận trực ban, bộ phận điều độ, thông tin tín hiệu, bộ phận kiểm soát đến bộ phận gác chắn... Đáng mừng là từ khi thành lập chốt không để xảy ra vụ TNGT đường sắt nào”.
Điểm đường ngang giao cắt với đường sắt Km 31+450 (đoạn qua phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) trước đây từng là điểm nóng về ATGT đường sắt song từ khi có chốt trực cảnh giới, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Chứng kiến không ít lần người dân tự đặt mình vào nguy hiểm khi cố tình vượt qua barie đã đóng xuống bất chấp đoàn tàu chuẩn bị chạy qua, chị Phan Thị Tuế, nhân viên trực gác cho hay: “Bên cạnh nhiệm vụ trực, hạ chắn và kéo chắn trước và sau khi tàu chạy qua chốt, tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân về các quy định ATGT đường sắt. Đến nay, đa phần người dân đã có ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT, tự giác tuân theo hiệu lệnh khi có tàu chạy qua. Những tình huống gây nguy hiểm không còn xảy ra nhiều như trước”.
Được biết, trên chiều dài 20 km đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh, có tổng số 38 đường ngang dân sinh đi qua nhiều khu dân cư với lượng người và phương tiện lưu thông lớn. Trong đó, 16 đường ngang hợp pháp có người gác chắn, 4 đường ngang có cảnh báo tự động. Trong khi tại các đường ngang có gác chắn tình hình trật tự ATGT cơ bản được bảo đảm tốt thì tại các đường ngang dân sinh trái phép, nguy cơ mất ATGT luôn thường trực. Theo thống kê của Tiểu ban An ninh trật tự đường sắt, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 đường ngang dân sinh mở trái phép, 345 điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Những đường ngang này chỉ được cảnh báo sơ sài bằng biển báo, các điều kiện an toàn không đạt tiêu chuẩn. Nếu người tham gia giao thông chỉ cần thiếu ý thức, chủ quan một chút thì có thể xảy ra TNGT.
Trước diễn biến phức tạp của TNGT đường sắt, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang; kịp thời phát hiện các sai phạm và sớm có giải pháp khắc phục đối với các vị trí lối đi dân sinh đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu và có khả năng gây tai nạn cao. Giải pháp trước mắt là thu hẹp, cấm toàn bộ các phương tiện giao thông cơ giới qua lại, xây dựng các đường gom, tiến tới xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép; nâng cao trách nhiệm của các địa phương có đường sắt chạy qua trong việc quản lý, nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự ATGT đường sắt…
Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng, những đường ngang dân sinh chỉ được bảo đảm an toàn khi mỗi người dân tự nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định Luật Giao thông, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt. Đừng để một phút chủ quan mà đặt tính mạng của bản thân và sự an toàn của cả đoàn tàu chạy trước nguy cơ TNGT.