Nam Định: Chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thứ ba, 07/08/2018 15:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2017, Ban ATGT tỉnh đánh giá công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Do đó, ngay từ đầu năm 2018 thực hiện chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh, các đơn vị thành viên và Ban ATGT các huyện, thành phố đặc biệt chú trọng triển khai các giải pháp khắc phục bất cập, tồn tại để nâng cao hiệu quả bảo đảm ATGT trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy; phấn đấu giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí.

Lực lượng cảnh sát đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) kiểm tra việc chấp hành các điều kiện bảo đảm
ATGT của xe khách tại Thành phố Nam Định

Theo đó, từng cấp, ngành và địa phương đã lập kế hoạch cụ thể, phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo ATGT; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tới mọi thành phần nhân dân; trong đó quan tâm tuyên truyền giáo dục hướng dẫn, đào tạo, chú trọng nhóm đối tượng là học sinh, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống lái xe an toàn, đặc biệt là ý thức văn hóa khi tham gia giao thông.

Ngành GTVT rà soát, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ, hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, thiết bị bảo đảm ATGT đường bộ, đường ngang qua đường sắt, đường thủy nội địa theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đường sắt và UBND tỉnh. Để nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, ngành GTVT đã ưu tiên hoàn thành xử lý các vị trí mất ATGT trên các quốc lộ (QL) như: tại đầu cầu Tân Phong (TP Nam Định), ngã 3, ngã tư Thị trấn Liễu Đề, các điểm giao cắt: QL 21B với Tỉnh lộ 488C, điểm giao QL 37B với QL 10, điểm giao QL 21 với Tỉnh lộ 487, điểm giao giữa QL 21 với Tỉnh lộ 487B...

Tăng cường công tác phối hợp ngăn chặn phương tiện vi phạm chở quá khổ, quá tải gây hư hỏng hạ tầng giao thông bằng các biện pháp: theo dõi, nắm quy luật hoạt động của các đối tượng, xe vi phạm để lập phương án giải quyết, xử lý; phối hợp bố trí hợp lý các điểm kiểm tra tải trọng lưu động và tập trung kiểm soát, xử lý xe chở hàng quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến QL 10, 21, 21B, 37B. Văn phòng Ban ATGT tỉnh thường xuyên sử dụng xe tuyên truyền lưu động các quy định về trật tự ATGT đường sắt dọc tuyến đường sắt chạy song song với QL 10, QL 21; phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát để đề xuất đầu tư kinh phí đóng các lối đi tự phát mở trái phép qua đường sắt. Cty CP Đường sắt Hà Ninh triển khai lắp đặt camera giám sát an toàn tại các đường ngang có người gác; tiếp tục bổ sung biển báo và tiến hành xóa bỏ, thu hẹp các đường ngang dân sinh (từ 3m xuống 2m, từ 2m xuống 1,5m) chỉ cho xe máy, xe đạp, người đi bộ đi qua. Giám sát chặt chẽ quy trình an toàn trong thực thi nhiệm vụ giữa các khâu chạy tàu, lái tàu, trực ban chạy tàu, trưởng tàu, an ninh, nhân viên tuần đường, nhân viên gác chắn.

Để tăng cường bảo đảm ATGT đường thủy, trong năm nay ngành GTVT và lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã tích cực kiểm tra, rà soát, kịp thời chấn chỉnh các bất cập trong vận chuyển hành khách và phương tiện qua sông, nhất là trong mùa mưa bão. Yêu cầu tất cả các bến phà, đò phải thường xuyên kiểm tra an toàn kỹ thuật và sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ tất cả phương tiện; bảo đảm người điều khiển phương tiện có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề theo quy định, phục vụ tốt việc vận tải khách, phương tiện qua sông và phòng chống thiên tai. Yêu cầu các bến trang bị đầy đủ thiết bị nổi, phao cứu sinh và áo phao trên phương tiện để phục vụ hành khách đi phà; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lượng dầu dự trữ và các thiết bị, dụng cụ sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống bão, lũ.

Riêng lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát đường thủy còn tăng cường phối hợp kiểm tra; xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm ATGT đường thủy, đặc biệt là các bến đò “3 không”, “4 không” (phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm điều kiện an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, phương tiện chở quá tải trọng cho phép). Sở GTVT và Công an tỉnh đã phối hợp tham mưu với UBND tỉnh ban hành quy định tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong quản lý hoạt động bến đò ngang để phòng ngừa TNGT đường thủy.

Tại huyện Ý Yên, địa bàn phức tạp về ATGT đường sắt đã đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, chủ động rà soát, lựa chọn các đường ngang thường xuyên xảy ra tai nạn để ưu tiên đầu tư khắc phục bất cập trên tinh thần “đầu tư sớm một ngày sẽ ngăn chặn thêm một hiểm hoạ”, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Huyện đã vận động thành công các hộ dân ở làng nghề Cát Đằng, xã Yên Tiến (nới có nhiều điểm đường ngang mở trực tiếp qua đường sắt) tự nguyện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất xây dựng đường gom ven đường sắt rộng 5m để đóng các đường ngang bất hợp pháp tại khu vực ngã ba Cát Đằng.

Huyện Hải Hậu đã vận động các hộ dân đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường GTNT. Nhờ lắp hệ thống đèn điện cao áp đến nay nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm trên địa bàn huyện không chỉ sáng đẹp hơn, mà còn rất thuận tiện cho việc đi lại của người dân, số vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra vào buổi tối đã giảm hẳn; an ninh trật tự cũng được đảm bảo hơn.

Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT gây cản trở, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông hoặc những trường hợp để vật liệu xây dựng, dựng rạp đám hiếu, hỉ không an toàn trên lòng, lề đường. Trong đó, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức giải tỏa thành công trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT tại QL 21, địa bàn xã Hải Vân. Hiện nay, huyện tiếp tục tập trung giải tỏa các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT trọng điểm trên các tuyến QL 21, QL 37, QL 21B kéo dài, đường An Đông, Tỉnh lộ 488C, 489B, khu vực chợ Cầu, bãi bán vật liệu tre luồng Hưng Nghĩa xã Hải Hưng, khu vực cầu Yên Định, chợ Đền xã Hải Anh, bãi vật liệu cạnh trạm điện 110kV Hải Tây, ngã tư chợ Cồn, chợ Đập xã Hải Xuân, chợ xã Hải Hòa. 

Sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, các địa phương và cả cộng đồng đã giúp tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT những tháng đầu năm 2018. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, 7 tháng đầu năm trên toàn tỉnh xảy ra 72 vụ TNGT; trong đó TNGT đường bộ 67 vụ, TNGT đường sắt 5 vụ, không xảy ra TNGT đường thủy; làm 39 người chết, 63 người bị thương; cả 3 tiêu chí đều giảm, số vụ giảm 20%, giảm 9,3% số người chết, giảm 16% số người bị thương.

Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu tháng 8, tại huyện Ý Yên lại xảy ra 1 vụ TNGT đường sắt làm 1 người chết, 3 người bị thương khi một xe ô tô đi qua đường ngang không có người gác không chú ý quan sát nên không phát hiện có tàu đang chạy. Vụ tai nạn xảy ra tại địa bàn luôn được cảnh báo về nguy cơ tai nạn cho thấy công tác đảm bảo trật tự ATGT, phòng ngừa tai nạn cần được nhắc nhở thường xuyên, không thể lơ là, chủ quan ở tất cả các chủ thể, đối tượng liên quan: cơ quan quản lý, người tham gia giao thông./.

kimcuc

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)