Qua cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” gắn với nhiều hoạt động tuyên truyền, cuộc vận động đã đi vào chiều sâu và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp nhân dân, góp phần cho công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.
Vì bình yên sông nước
Ngày 26/10, tại bến đò An Sơn, TX.Thuận An, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2018.
Ông Trần Bá Luận, Phó ban ATGT tỉnh, cho biết thời gian qua, Ban ATGT phối hợp với các xã, phường triển khai thực hiện cuộc vận động với nhiều nội dung, hình thức, mô hình phong phú và thiết thực như: Tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện pháp luật ATGT đường thủy nội địa trên sóng phát thanh ở các xã, phường, thị trấn; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền vận động “Người đi đò mặc áo phao”, các biện pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em, thông tin về các nội dung chương trình cuộc vận động tại các bến khách ngang sông.
Tăng cường tuyên truyền nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành các quy định về việc trang bị
và yêu cầu khách đi đò mặc áo phao để phòng tránh tai nạn đuối nước
Cuộc vận động kết hợp lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để xây dựng nếp sống “Văn hóa giao thông” trong cộng đồng dân cư; xây dựng mô hình tự quản bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, gắn với phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
TX.Thuận An tổ chức 56 cuộc với 6.750 người tham dự tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa, 135 buổi hướng dẫn người dân đi đò sử dụng áo phao và dụng cụ nổi đúng cách. Xây dựng và tổ chức 3 tổ tự quản “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. TX.Tân Uyên là điểm sáng với mô hình “Bến phà văn hóa - an toàn” tại bến phà Bạch Đằng- Bình Lợi; phát 6.000 tờ rơi tuyên truyền về việc sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh khi đi đò, cách phòng, chống đuối nước cho trẻ em; tổ chức 25 buổi tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em cho hơn 40.000 học sinh. Ban ATGT tỉnh đã tổ chức rà soát, kiểm tra, sửa chữa, bổ sung thay thế mới các bảng thông tin ATGT tại 18 bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh nhằm thông tin kịp thời đến người dân tham gia giao thông thủy các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa, đường bộ, tạo thuận lợi cho địa phương sử dụng bảng thông tin để tuyên truyền rộng rãi cuộc vận động đến người dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, cho biết qua 3 năm triển khai thực hiện cuộc phát động của Ủy ban ATGT Quốc gia về vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, cuộc vận động cho thấy được đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Bình Dương nhằm tạo môi trường văn hóa trong hành động, ứng xử của mỗi người tham gia giao thông thủy, làm chuyển biến về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông thủy; nâng cao ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân thay đổi hành vi và cách ứng xử khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra trên đường thủy; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử có văn hóa của cán bộ, nhân viên lực lượng chức năng quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thủy nội địa, góp phần xây dựng môi trường giao thông đường thủy an toàn, văn minh.
“Cuộc vận động bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; được các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân quan tâm, hưởng ứng và thực hiện; tai nạn giao thông đường thủy được kiềm chế qua từng năm, góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của các cá nhân, tổ chức tham gia giao thông thủy đã được nâng cao; từng bước xây dựng được môi trường giao thông đường thủy an toàn. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các ngành, các cấp và toàn dân tham gia phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cũng lưu ý trong thời gian tới, tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn đường thủy xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, để cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” 2016-2020 đạt được chất lượng, hiệu quả, cần tập trung cho công tác tuyên tuyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật ATGT đường thủy nội địa, thực hiện hiệu quả và nhân rộng các mô hình điểm; mở các lớp tập huấn xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường thủy, tập huấn nghiệp vụ về bảo đảm trật tự ATGT, phòng chống đuối nước ở trẻ em; tuyên truyền sâu, rộng đến các đối tượng tham gia giao thông thủy, các trường học, người dân sinh sống trên và ven sông...
Trong giai đoạn 2016-2018, qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát đường thủy đã phát hiện 3.382 trường hợp vi phạm, xử phạt 2.755 trường hợp với tổng số tiền nộp Kho bạc Nhà nước là 2,2 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 5 người, bị thương 2 người, hư hỏng 3 phương tiện thủy. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 3 người, làm bị thương 2 người, hư hỏng 2 phương tiện thủy.