Trên địa bàn tỉnh hiện có 32,3km đường sắt Bắc - Nam và 4,7km đường sắt chuyên dùng, đều chạy song song với Quốc lộ 1, Quốc lộ 21. Mặc dù từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT), va chạm giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh giảm nhưng tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt vẫn diễn ra ở nhiều khu vực.
Đường ngang dân sinh tự phát là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt.
Tại xã Liêm Cần (Thanh Liêm) nhiều năm qua luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt của một bộ phận người dân nơi đây còn hạn chế. Một số hộ dân sống dọc hai bên đường cố tình vi phạm hành lang ATGT đường sắt, đặc biệt là các hộ chế tác, kinh doanh non bộ với khối lượng sản phẩm, vật liệu lớn. Hàng trăm khối đá nặng hàng tấn thường xuyên được các hộ dân kinh doanh vận chuyển đi ngang qua hoặc đặt ngay gần đường sắt.
Không chỉ lấn chiếm lòng đường, hành lang ATGT đường sắt làm nơi tập kết đá, nhiều hộ còn tự ý mở đường ngang dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông.
Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều từ đường ngang dân sinh. Hiện toàn tuyến chỉ có 45 đường ngang được bố trí người gác, phòng vệ bằng biển báo, thiết bị cảnh báo tự động, cần chắn tự động, còn 220 lối đi, đường ngang dân sinh tự mở không người gác, không biển báo.
Các đường ngang này đều không bảo đảm ATGT trong khi người tham gia giao thông thường có tâm lý chủ quan, không quan sát hoặc cố tình vượt qua ngay cả khi tàu đang đến gần.
Để khắc phục tình trạng trên, lực lượng CSGT đường sắt, Công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định Luật Giao thông đường sắt. Đồng thời, tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường sắt, cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép; vận động người dân tự giác dỡ bỏ công trình vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, không tự ý mở đường ngang dân sinh trái phép; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đề ra những chế tài đủ sức răn đe, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, kiên quyết không để tái diễn vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt.
Các đơn vị thuộc ngành đường sắt cũng phối hợp với lực lượng CSGT, tổ chức ký cam kết với các xã, phường có đường sắt chạy qua không để người dân (nhất là thanh, thiếu niên) ném đất đá lên tàu, không chăn thả trâu bò trên đường sắt, không đặt chướng ngại vật, trộm cắp thiết bị đường sắt, thiết bị an toàn toa xe.
Các đơn vị cũng đã tổ chức ký cam kết, giải tỏa hành lang ATGT đường sắt đối với 10 hộ kinh doanh đá cảnh, phế liệu thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm và nhân viên 10 chốt gác chắn dọc tuyến. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng và TTATGT đường sắt trên các tuyến, địa bàn, trong đó tập trung vào những hành vi vi phạm quy định chấp hành tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt, như: Không dừng phương tiện trước vạch dừng khi rào chắn đã đóng, đèn đỏ đã bật, chuông đã reo; tự ý mở đường ngang trái phép, buôn bán, họp chợ, để vật liệu trong phạm vi an toàn giao thông đường sắt; xây dựng lều quán, nhà tạm trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt...
Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 15 trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt, phạt gần 6 triệu đồng; phối hợp với ngành đường sắt lắp đặt 4 cần chắn tự động, rào 2 đường ngang dân sinh, qua đó góp phần giảm thiểu TNGT đường sắt.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm TTATGT, giảm thiểu TNGT đường sắt, thời gian tới Ban ATGT tỉnh đề nghị các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố phối hợp triển khai một số giải pháp lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
Theo đó, thực hiện tốt việc bảo đảm TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, kiên quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép. Các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua chỉ đạo duy trì hoạt động của những trạm cảnh giới đường ngang, thực hiện rà soát và cắm đầy đủ biển báo hiệu đường bộ, xây dựng gờ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý; tổ chức kiểm tra dọc tuyến nhằm kịp thời phát hiện, nhắc nhở, giải tỏa các vi phạm trong phần đất dành cho hành lang ATGT đường sắt.
Về phía lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt tăng cường kiểm tra tại các đường ngang có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động; phát hiện xử lý vi phạm quy tắc giao thông khi qua đường sắt đối với người tham gia giao thông. Đồng thời, khảo sát toàn tuyến, tìm ra điểm bất cập, kiến nghị cấp, ngành có thẩm quyền xử lý, khắc phục kịp thời.
Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, điều quan trọng trước hết vẫn là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Mọi người hãy hình thành ý thức, thói quen dừng lại quan sát trước khi đi qua đường sắt.