Mặc dù đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm kiềm chế và kéo giảm song tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong 6 tháng đầu năm 2019 diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn tăng ở cả 3 tiêu chí.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên địa bàn Tam Dương khiến 4 người thương vong -
nguyên nhân chính do lái xe Kia (màu trắng) đã sử dụng rượu, bia
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là xử lý các hành vi chở hàng quá tải trọng, vi phạm nồng độ cồn và ma túy cùng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông… Qua đó, đã tiến hành xử phạt hơn 21.770 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông với số tiền hơn 13,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, 15 người bị thương. Trong đó có 16 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 19 người, 15 người bị thương, tăng 4 vụ, 8 người chết và 10 người bị thương so với 6 tháng đầu năm 2018.
Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn đã có sử dụng rượu, bia, vi phạm các lỗi như không đi đúng làn đường, phần đường quy định; điều khiển phương tiện không chú ý quan sát; chạy quá tốc độ quy định; từ đường phụ ra đường chính không nhường đường; chuyển hướng không báo tín hiệu. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, để xe vẫn còn diễn ra, nhất là các khu vực nội thị, chợ, trước cổng các khu, cụm công nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án giao thông thực hiện chậm, làm chậm tiến độ thi công; tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải trọng vẫn còn diễn ra...
Phấn đấu hạn chế thấp nhất tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng cuối năm là liếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo các nhiệm vụ, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đối với từng địa bàn, lĩnh vực mình quản lý. Đặc biệt, lực lượng Công an tỉnh cần chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những hành vi nguy hiểm trực tiếp gây tai nạn giao thông như: Lái xe sử dụng ma túy, uống rượu, bia, chở quá tải… Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ, hậu quả tai nạn giao thông, các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tới các tầng lớp nhân dân.