Từ đầu năm 2019 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) thủy trên địa bàn tỉnh Bến Tre không xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là số trường hợp vi phạm trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (ATGT) thủy vẫn còn nhiều. Từ đầu năm đến nay, Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã phát hiện, xử phạt trên 3.300 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa.
Cảnh sát đường thủy tuần tra trên sông
Nguy cơ mất an toàn
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 90 bến đò, bến phà đưa rước khách ngang sông, chủ yếu là phương tiện nhỏ, hoạt động tại các vùng nông thôn. Để đảm bảo trật tự ATGT thủy từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, những ngày qua, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra ATGT đường thủy tại các tuyến sông trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đã phát hiện, lập biên bản xử phạt nhiều bến đò vi phạm các quy định về ATGT thủy nội địa, với các lỗi như: bến không đăng ký, phương tiện quá hạn đăng kiểm, không bố trí đầy đủ thuyền viên, không đảm bảo dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chữa cháy… trên các phương tiện chở khách.
Tại một số bến đò ngang, các phương tiện chở khách đa phần được làm bằng gỗ, khá cũ kỹ, không được duy tu sửa chữa nên có dấu hiệu mục nát; trên một số phương tiện không trang bị đầy đủ áo phao theo quy định, vượt sông trong điều kiện mất an toàn. Ngoài ra, tâm lý chủ quan là điều dễ nhận thấy của những người đi trên những chuyến đò. Bà Nguyễn Thị Xuyến ở xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Nhà ở bên Vĩnh Long, tôi thường xuyên đi qua huyện Chợ Lách bằng đò ngang, mấy bữa mưa gió qua sông rất sợ nhưng vẫn phải chịu vì nếu đi đường vòng bằng xe máy thì rất xa và tốn thời gian”.
Vào đầu tháng 6-2019, xe ô tô 7 chỗ do tài xế Châu Anh Hoàng, ngụ tỉnh Vĩnh Long điều khiển xuống phà Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc qua xã Thanh Bình, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Trong lúc ô tô đang xuống phà, do mũi phà lệch ra ngoài khiến phương tiện lao xuống sông Cổ Chiên. May mắn vào thời điểm xảy ra vụ việc, mực nước sông thấp nên tài xế và những người trong ô tô kịp thoát ra ngoài, vào bờ an toàn.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, bến phà này không được cấp phép vận chuyển ô tô mà chỉ được phép chở người và xe mô tô, xe máy qua sông, nhưng chủ bến vẫn cố tình vi phạm. Sau sự cố trên, bến phà đã bị cơ quan chức năng tạm đình chỉ hoạt động, nhưng tại thời điểm đoàn kiểm tra làm việc vào cuối tháng 10-2019 vừa qua, bến này vẫn lén đưa rước hành khách trong điều kiện không đảm bảo an toàn.
Cần chấp hành nghiêm quy định
Cuối năm cũng là thời điểm mà nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy tăng mạnh, điều đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy nếu như không có biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là vào thời điểm thời tiết diễn biến bất thường. Mặc dù theo quy định, vào mùa mưa, bão, các phương tiện vận tải đường thủy phải giảm tải để đảm bảo an toàn, tuy nhiên nhiều chủ tàu vẫn phớt lờ quy định này.
Tại kênh Chợ Lách, một trong những tuyến giao thông thủy quan trọng nối sông Hàm Luông và Cổ Chiên, mặc dù trời mưa khá to, tầm nhìn bị hạn chế, nhưng vẫn có nhiều phương tiện qua lại; thậm chí có một số phương tiện cố tình vượt qua các phương tiện khác với khoảng cách rất gần nhau. Nhiều xà lan chở cát quá tải trọng đến mức nước sông ngập tràn qua mặt sàn, cát chất cao nhất, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện rất nguy hiểm, chỉ cần một chút bất cẩn thì tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản xử phạt, ông Nguyễn Văn Son, chủ xà lan chở cát ở tỉnh An Giang cho biết: “Tôi biết việc chở hàng quá tải trọng là sai quy định pháp luật, lái tàu trong điều kiện mưa gió là rất nguy hiểm, nhưng nếu chở đúng tải thì không có lời nên tôi làm liều”.
Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự ATGT đường thủy, Thượng tá Hồ Văn Vân - Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, lực lượng CSGT tỉnh sẽ chủ động xây dựng các kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa; đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra các bến khách, phương tiện thủy, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng đối với các bến khách không đủ điều kiện an toàn thì sẽ kiên quyết không cho hoạt động.
“Chủ và người điều khiển phương tiện vận tải đường thủy phải tuyệt đối chấp hành các quy định về ATGT thủy, không được chở quá tải trọng cho phép, quá số người quy định. Tuyệt đối không được hoạt động khi không đảm bảo an toàn, nhất là lúc trời có mưa to, gió lớn. Có như vậy mới góp phần hạn chế thấp nhất TNGT thủy xảy ra”. Thượng tá Hồ Văn Vân - Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh nhấn mạnh.