Thời gian gần đây, những vi phạm về luật giao thông có xu hướng diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân liên quan rượu, bia được đánh giá khá nghiêm trọng. Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu, bia thường có liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường...
Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống rượu, bia rất lớn. Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Bến Tre đã tổ chức tuần tra, kiểm soát 2.612 lượt, qua kiểm tra phát hiện, lập biên bản 3.043 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt 2.638 trường hợp; giáo dục tại chỗ 127 trường hợp, tạm giữ 1.820 xe, 963 giấy tờ xe các loại; tước giấy phép lái xe có thời hạn 443 trường hợp, trong đó điều khiển phương tiện khi đã có uống rượu, bia 444 trường hợp.
Để ngăn chặn có hiệu quả tai nạn giao thông do uống rượu, bia, nhất là dịp cuối năm cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông kết hợp với sự giáo dục của các cấp, các ngành, các đoàn thể, nhà trường và gia đình để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tham gia giao thông của cộng đồng, đặc biệt là với thanh niên. Đồng thời, phải có những biện pháp, chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm luật an toàn giao thông. Cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhất là áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Chỉ khi có chế tài nghiêm khắc, người điều khiển phương tiện mới không dám vi phạm.
Đối với người tham gia giao thông, cần tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật; không phóng nhanh vượt ẩu, không điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia.