Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, nghiêm cấm toàn bộ hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người; siết chặt hơn các quy định về sử dụng, buôn bán và kinh doanh các loại đồ uống có cồn.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện
trên tuyến đường Lê Đại Hành.
Đồng thời, cũng từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, nâng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn lên cao.
Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm góp phần hạn chế tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đặc biệt giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông đường bộ do người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông gây ra.
Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14) vừa được ban hành, kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (ô tô, xe máy, xe điện…) và giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn…) khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Như vậy, với quy định mới sẽ cấm hoàn toàn và không còn quy định khung nồng độ cồn. Liên quan đến xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Nghị định số 100 của Chính phủ cũng điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Trong đó, hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 nghìn đồng.
Để hưởng ứng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực hiện nghiêm Nghị định số 100 của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an thành phố Ninh Bình đã ra quân kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm đối với người sử dụng nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông.
Đồng chí Vũ Văn Bằng, Phó trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Xác định việc tăng cường các biện pháp xử lý nồng độ cồn là hết sức quan trọng, góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu các vụ TNGT, vì vậy trước khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, Công an thành phố đã tổ chức quán triệt tới tất cả các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT các nội dung của Luật và những điểm mới, bổ sung của Nghị định 100.
Đồng thời, quán triệt lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố tiến hành xử phạt nghiêm các vi phạm theo đúng quy định. Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền các nội dung của Nghị định này đến người tham gia giao thông; đồng thời yêu cầu trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ phải giữ đúng lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực với người tham gia giao thông.
Ngay trong những ngày đầu, lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố đã bố trí 3 ca tuần tra, kiểm soát, xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn trong các giờ cao điểm như sau các giờ ăn trưa, ăn tối. Theo ghi nhận, trong ngày 2/1/2020, Đội cảnh sát giao thông, Công an thành phố đã chọn khung giờ “vàng” (từ 19h đến 21h30) và (từ 12h đến 14h) để lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại tuyến đường Lê Đại Hành và Tràng An, đây là những khu vực có nhiều hàng ăn, uống, phương tiện giao thông di chuyển qua.
Trong khoảng thời gian trên, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra trên 100 trường hợp phương tiện bao gồm cả xe ô tô và xe mô tô, trong đó phát hiện 2 trường hợp điều khiển ô tô vi phạm với mức độ 0,227mg/l khí thở và 0,066mg/l khí thở. Lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố đã lập biên bản, xử lý nghiêm theo đúng quy định Nghị định 100 của Chính phủ.
Đại úy Trương Minh Khôi, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn được lực lượng cảnh sát giao thông thành phố duy trì suốt thời gian qua, nhưng từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như Nghị định 100 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, công tác này sẽ được tăng cường hơn nữa, khi phát hiện trường hợp vi phạm xử phạt nghiêm khắc.
Sau 05 ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 chính thức có hiệu lực, nhiều người đã e dè hơn trong việc uống rượu, bia trong mỗi cuộc nhậu và có ý thức hơn khi tham gia giao thông.
Anh Đinh Xuân Bình (phường Đông Thành) cho biết: “Văn hóa” rượu, bia đã trở thành thói quen trong sinh hoạt của người Việt từ bao đời nay trong mỗi dịp lễ, Tết, gặp gỡ, giao lưu. Bản thân tôi là người thường xuyên sử dụng bia, rượu trong các bữa tiệc, nhưng từ nay đã có luật, tôi sẽ chấp hành nghiêm và không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia.
Một chủ một nhà hàng ăn trên đường Trần Hưng Đạo cho biết: Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã nắm được những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100 của Chính phủ. Theo tôi, đã là luật thì phải chấp hành. Nhà hàng cũng đã có phương án cụ thể, như đầu tư dịch vụ đón, đưa khách về nhà hoặc tư vấn cho khách sử dụng taxi nếu sử dụng rượu, bia.
Theo đánh giá của lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố Ninh Bình, qua thực tế kiểm tra cho thấy hiện nay nhiều người dân trên địa bàn thành phố đã nắm được luật và các quy định mới về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, vì vậy số người vi phạm nồng độ cồn đang có chiều hướng giảm hẳn so với trước đây.
Trong những ngày qua, lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra hàng trăm trường hợp, nhưng phát hiện rất ít người vi phạm nồng độ cồn. Điều đó cho thấy, việc thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ là việc làm hết sức cần thiết, bước đầu đã tạo được sức răn đe và góp phần tạo chuyển biến tích cực về ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.
Để luật đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả lâu dài, thời gian tới, Công an thành phố Ninh Bình tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lực lượng công an rất cần sự nỗ lực của toàn xã hội, góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, sức khỏe và hạnh phúc không chỉ cho mỗi người, mỗi nhà mà cho cả cộng đồng.