Từ ngày 1/1/2020, luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã triển khai kiểm tra nồng độ cồn rất quyết liệt đối với các trường hợp điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông.
Kiểm tra 10.000 phương tiện tham gia giao thông
Trước đó, Phòng CSGT-Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền đến người dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều khu đông dân cư, vùng xa trung tâm được lực lượng chức năng tuyên truyền phổ biến về thời gian, các quy định nghiêm cấm người dân sử dụng rượu, bia khi điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông. Trong hơn 1 tháng, lực lượng tuyên truyền của Phòng CSGT tổ chức 23 đợt tuyên truyền cho hơn 10.000 người dân.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện
Bên cạnh đó, ngay sau khi luật có hiệu lực thi hành, chỉ tính riêng trong 2 ngày nghỉ cuối tuần (4 -5/1/2020), Phòng CSGT đã tổ chức các điểm chốt chặn trên dọc tuyến Quốc lộ 14, nhất là tại 2 cửa ngõ ra vào tỉnh là Đắk R’lấp và Cư Jút. Tại mỗi chốt kiểm tra, CSGT phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động, công an các huyện để tăng cường thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc. Mỗi chốt được bố trí 3 tổ với 3 máy kiểm tra nồng độ cồn và hàng chục chiến sĩ làm nhiệm vụ. Hàng loạt tài xế điều khiển xe ô tô chở khách, xe tải, xe con, xe máy đều được dừng liên tục để kiểm tra nhưng nhanh, gọn, đúng quy định, không phải chờ.
Tại huyện Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa, lực lượng CSGT cũng phối hợp với lực lượng chức năng khác tiến hành lập chốt chặn kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường nội thành, tỉnh lộ, đường liên xã. Thời gian kiểm tra bắt đầu buổi trưa đến tối, nhất là giờ cao điểm khoảng 20-22 giờ, thời điểm người dân kết thúc “cuộc vui” tại quán sá để về nhà.
Trung tá Nguyễn Văn Hoàng, Đội phó Đội tuần tra số 2-Phòng CSGT cho biết: Đơn vị tổ chức trên 30 chiến sĩ lập các chốt chặn, tuần tra lưu động nhằm phát hiện, ngăn chặn trường hợp sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Từ ngày 1 đến nay, đội tiến hành kiểm tra trên 3.700 trường hợp nhưng chỉ mới phát hiện, xử lý 15 trường hợp sử dụng nồng độ cồn, trong đó 1 trường hợp lái xe ô tô, 14 trường hợp lái xe mô tô, xe gắn máy.
Theo thống kê từ ngày 1/1 đến nay, Đội tuần tra số 1 và số 2 của Phòng CSGT-Công an tỉnh và Công an huyện Đắk R’lấp và Gia Nghĩa đã tiến hành kiểm tra hơn 10.000 phương tiện các loại, qua đó phát hiện 57 trường hợp lái xe có uống rượu, bia.
Người dân nâng cao ý thức chấp hành
Qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức của người dân được nâng cao nên chấp hành pháp luật khá tốt.
Ông Phạm Văn Bé ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) cho biết: Tôi dự tân gia của con gái cách nhà chỉ 300m. Quá vui, tôi có uống 2 lon bia giao lưu với hàng xóm, bạn bè. Tôi có phần chủ quan, nghĩ đi xe về gần nhà sẽ không sao, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện có nồng độ cồn, rồi tuyên truyền, phân tích, giải thích nên tôi hiểu và không bao giờ vi phạm nữa.
Anh Y Sina ở xã Tâm Thắng (Cư Jút) cho hay: Hôm nay, mình đi dự đám cưới con của người bạn cách nhà 1 cây số. Sau khi uống say, không làm chủ bản thân, mình gọi điện cho vợ tới chở về nhà. Luật này đâu có cấm người dân uống rượu, bia mà chỉ cấm người đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông với mục đích phòng tránh tai nạn giao thông.
Một số trường hợp có điều kiện, sau khi có hơi men cũng tự giác gửi xe lại quán và gọi taxi chở về chứ không điều khiển xe ô tô, xe gắn máy về nhà.
Trung tá Phạm Quốc Lập, Trưởng Phòng CSGT-Công an tỉnh cho hay: Sau khi có luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, đơn vị đã chủ động về con người, máy móc thiết bị để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến Quốc lộ 14, Quốc lộ 28. Đối với những trường hợp vi phạm, lực lượng xử lý nghiêm, đúng pháp luật, không bỏ sót trường hợp nào. Song song với nhiệm vụ xử lý, phòng còn bố trí lực lượng tuyên truyền tại chỗ, tổ chức các đợt tuyên truyền để luật Phòng chống tác hại rượu, bia ngày càng đi vào đời sống người dân, phát huy hiệu quả thiết thực.