“Đã uống rượu bia thì không lái xe” được lựa chọn làm chủ đề của năm ATGT 2020 nhằm thực hiện mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương từ tai nạn giao thông và giảm 80% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. Bắc Ninh đang nỗ lực triển khai các biện pháp mạnh để trật tự ATGT thực sự đi vào nền nếp.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh khẳng định: Từ đầu năm đến nay, trật tự ATGT trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng người, phương tiện vi phạm Luật Giao thông giảm, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, lượng người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn vẫn tăng và diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, có hơn 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Ban ATGT tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương trong tỉnh thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, lấy sự an toàn tính mạng của người tham gia giao thông đặt lên hàng đầu.
Bảo đảm ATGT trên các tuyến đường
Ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về bảo đảm trật tự ATGT. Phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông. Gắn trách nhiệm người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị nếu để nhân viên gây tai nạn giao thông và vi phạm Luật Giao thông trên đường. Ban ATGT tỉnh xây dựng và triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm về bảo đảm trật tự ATGT, trong đó nhóm giải pháp tuyên truyền; tuần tra kiểm soát được đặt lên hàng đầu.
Với phương châm tuyên truyền mọi nơi, mọi lúc, mọi đối tượng, Ban thành lập tổ tuyên truyền , phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Các khẩu hiệu như: “đã uống rượu, bia không lái xe”; “tính mạng con người là trên hết”; “ATGT- trách nhiệm của mỗi người”; “tuân thủ tốc độ quy định khi lái xe”… được in trên các pano, áp phích, tờ rơi ở những nơi công cộng, khu đông dân cư, lồng ghép vào các tiểu phẩm về xây dựng văn hóa giao thông ở các tổ chức đoàn thể… và được lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông thường xuyên tuyên truyền đến người tham gia giao thông.
Ban còn phối hợp với Sở Công thương tổ chức cuộc vận động, tuyên truyền, kêu gọi các đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu, bia nhắc nhở, có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về thực hiện hành động “đã uống rượu, bia không lái xe”, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện công cộng sau khi đã uống rượu bia, nhằm tránh các sự cố rủi ro trên đường. Tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh thôn, xóm, khu phố về các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông, trọng tâm là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và đường sắt; quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện…
Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai mô hình “đi đến trường an toàn-về đến nhà an toàn”; tổ chức tập huấn nghiệp vụ ATGT cho giáo viên, cán bộ quản lý trong trường, nói chuyện ngoại khóa về tham gia giao thông an toàn cho học sinh ở các bậc học; rà soát, khắc phục những bất cập trong công tác tổ chức giao thông tại các cổng trường học, nhằm bảo đảm an toàn cho các em học sinh khi tham gia giao thông. Thiết lập đường dây nóng để mọi tầng lớp nhân dân có thể phản ánh kịp thời mọi sự cố xảy ra trên đường, những bất cập trong công tác tổ chức giao thông, từ đó có phương án xử lý hiệu quả.
Đối với công tác tuần tra, kiểm soát, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng, Công an các huyện, thị xã, thành phố sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình, ứng dụng khoa học công nghệ triển khai các biện pháp giám sát, sử dụng các thiết bị tiên tiến ghi hình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát theo từng chuyên đề, tuyến đường trọng điểm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ.
Tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: sử dụng ma túy, vi phạm tốc độ khi lái xe; vi phạm về tải trọng; xe đưa đón học sinh không bảo đảm an toàn kỹ thuật; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm… Tập trung xử lý mạnh vi phạm về nồng độ cồn, tổ chức tổng kiểm soát hành vi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện đối với tất cả lái xe ở các tuyến đường và địa bàn trong toàn tỉnh. Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, ngành chức năng còn phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập trong công tác tổ chức giao thông, từ đó tạo môi trường ATGT thân thiện, để tai nạn giao thông không còn là mối lo của toàn xã hội.