Trong quý I/2020, toàn tỉnh Bến Tre xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 44 người, bị thương 23 người, tài sản thiệt hại 54 triệu đồng (tăng 17 vụ, tăng 12 người chết, tăng 15 người bị thương so với cùng kỳ năm 2019). Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý xảy ra 6 vụ TNGT, làm chết 6 người, bị thương 4 người.
Phương tiện thủy hoạt động tại bến đò An Hiệp, huyện Ba Tri
Đảm bảo an toàn đường bộ
Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thường trực Ban ATGT tỉnh, công an, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để kéo giảm TNGT. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, có chiều sâu, phù hợp từng đối tượng. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các hoạt động tuyên truyền về ATGT cần chuyển sang hình thức trực tuyến, qua mạng xã hội, trực quan bằng panô, áp phích theo chủ đề. Trong đó, tập trung tuyên truyền chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện”, “Không phóng nhanh, vượt ẩu”… Đồng thời triển khai thực hiện tốt Nghị định số 10 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020.
Thường trực Ban ATGT tỉnh, huyện khẩn trương rà soát, phân tích kỹ các vụ TNGT xảy ra trong quý I-2020 để xác định rõ nguyên nhân, địa bàn, thời gian xảy ra TNGT, tập trung vào các đối tượng, phương tiện nào để có giải pháp cụ thể, quyết liệt và hiệu quả hơn. Huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vận dụng và kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt các phương thức trong tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT trên tất cả các tuyến, địa bàn phụ trách, trong đó tập trung vào địa bàn, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy, trật tự hành lang ATGT.
Triển khai có hiệu quả Quyết định số 42 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Chỉ đạo lực lượng chức năng giải quyết tranh chấp tại bến khách ngang sông Thới Lai - Châu Hòa. Khẩn trương triển khai giai đoạn 1 đưa vào hoạt động dịp lễ 30/4 và triển khai giai đoạn 2 việc lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm. Tăng cường công tác xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến. Xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT trong dịp lễ 30/4 và 1/5; trong đó, đề nghị Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu phối hợp xây dựng kế hoạch đảm bảo ATGT trên tuyến mình quản lý.
Hạn chế tai nạn giao thông thủy
Qua kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT và phản ánh của các báo đài Trung ương, địa phương, thời gian qua cho thấy, đa số phương tiện thô sơ khi hoạt động trên đường thủy nội địa được trang bị các thiết bị an toàn như áo phao, dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện có nguy cơ mất ATGT đường thủy nội địa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn đường thủy do các phương tiện sông nhỏ, thô sơ gây ra, các sở ngành, UBND các huyện, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT đường thủy cho người dân. Vận động các chủ phương tiện trang bị dụng cụ an toàn các phương tiện thủy nhỏ, thô sơ theo quy định. Cảnh báo các nguy cơ tai nạn, đuối nước khi tham gia giao thông bằng phương tiện nhỏ, thô sơ mà không có áo phao, dụng cụ cứu sinh và thiết bị an toàn theo quy định. Tăng cường quản lý, kiểm tra thực hiện quy định về việc đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đối với phương tiện nhỏ, thô sơ. Rà soát điều kiện hoạt động các bến đò ngang sông, kiểm tra việc chấp hành thực hiện quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh. Chú trọng bến đò có đông người dân, trẻ em, học sinh tham gia qua lại hàng ngày.
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng, cảnh sát giao thông các huyện, thành phố, thanh tra giao thông, cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm quy định pháp luật khi đưa vào sử dụng và tham gia giao thông thủy nội địa đối với phương tiện nhỏ. Xử lý người lái phương tiện thủy, chủ bến khách ngang sông chấp hành các quy định, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo các yêu cầu về trang thiết bị cứu sinh, bến thủy hoạt động khi chưa được cấp phép, người lái phương tiện không có bằng.