Hà Giang: Nghị định 100 làm thay đổi nhận thức của người dân vùng cao

Thứ tư, 15/04/2020 08:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Có thể nói, Nghị định này có sự thay đổi lớn, tác động sâu rộng đến đông đảo người dân trên cả nước. Tại huyện vùng cao Đồng Văn, Hà Giang Nghị định 100 đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân.

Cán bộ Đội CSGT huyện Đồng Văn kiểm tra nồng độ cồn
người tham gia giao thông

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 ra đời đã nhanh chóng được triển khai, áp dụng sâu rộng vào cuộc sống. Đặc biệt, bổ sung, làm rõ hơn các hành vi vi phạm; nâng cao mức phạt đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, đáng chú ý là các quy định cụ thể đối với từng đối tượng, như: Người chưa đủ 18 tuổi không được uống rượu, bia; sử dụng rượu, bia thì không được lái xe; cán bộ, công chức và người lao động không được uống rượu, bia trong giờ làm việc... Đặc biệt là vấn đề tăng nặng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, áp dụng cho cả người điều khiển xe đạp, xe thô sơ,... theo quy định tại Nghị định 100.

Tại huyện Đồng Văn, do những phong tục, tập quán và thói quen lâu đời của đồng bào nơi đây; trước khi Nghị định 100 chưa ra đời, việc uống rượu, bia gần như không có sự kiểm soát. Các cuộc vui thường kéo dài với sự chúc tụng, kỳ kèo, để rồi rất nhiều cuộc vui trở nên “kém vui”. Đặc biệt, vào những ngày chợ phiên, bà con gặp gỡ, trò chuyện và uống rượu,... đây là một trong những thói quen khó thay đổi. Thế nhưng, khi Nghị định 100 chính thức có hiệu lực,  tình trạng người dân uống rượu đã giảm đáng kể; những người uống rượu, bia đã tự ý thức được “đã uống rượu, bia sẽ không lái xe”.

Anh Giàng Mí Vư, xã Tả Lủng, chia sẻ: Bản thân tôi đã từng là người vi phạm và thực hiện nghiêm túc việc nộp phạt. Cán bộ xử lý hoàn toàn đúng và cũng tạo điều kiện rất nhiều cho bà con và còn tuyên truyền cho chúng tôi hiểu được những nguy hiểm sau hành động uống rượu rồi tham gia giao thông. Đến giờ, tôi tuyệt đối thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của nhà nước, đặc biệt là Nghị định 100; đồng thời, tuyên truyền với người thân, bạn bè cần chấp hành một cách nghiêm túc nhất; đây chính là bảo vệ tính mạng bản thân mình”.

Rất nhiều người dân như anh Vư đã có nhận thức hết sức rõ ràng và ủng hộ những quy định mới từ Nghị định 100. Nhờ đó, bước đầu, tình hình TNGT trên địa bàn huyện đã được cải thiện rõ nét. Theo báo cáo của Công an huyện Đồng Văn, tính từ ngày 1/1/2020 đến hết tháng 3/2020; trong số 288 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý thì chỉ có 12 trường hợp liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, số tiền phạt  trên 40 triệu đồng; đây là một con số đáng mừng từ khi Nghị định 100 ra đời.

Đồng chí Nguyễn Hải Anh, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Đồng Văn, cho biết: “Tính từ thời điểm Nghị định 100 có hiệu lực đến nay, huyện chưa ghi nhận vụ TNGT nào có liên quan đến nồng độ cồn; các vụ xử lý liên quan đến nồng độ cồn đã giảm rõ rệt. Có được kết quả đó, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, Đội CSGT của huyện đã ra quân thực hiện nghiêm túc các quy định mới của pháp luật. Tại các phiên chợ, chúng tôi vừa kết hợp xử lý các trường hợp vi phạm, vừa tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con hiểu được vấn đề để tự nguyện thực hiện. Đối với các trường hợp vi phạm, cũng giải thích rõ ràng cho họ nhận biết được lỗi sai của mình để không tái phạm. Từ đầu năm, Đội đã phối hợp tuyên truyền được gần 1.000 lượt cho cán bộ, nhân dân tại các xã, thị trấn, các phiên chợ và nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao”.

Thiếu tá Thào Minh Hồng, Phó Trưởng Công an huyện Đồng Văn, cho biết: Với phương châm kiên quyết xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm nồng độ cồn; thời gian qua, trên địa bàn huyện, tình hình vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã có sự chuyển biến tích cực. Tùy tình hình thực tế, khi xử lý, chúng tôi sẽ có những biện pháp phù hợp và tạo điều kiện cho người dân lao động, như: Xử phạt mức thấp nhất, giữ bằng lái xe ở mức cao nhất. Thời gian tới, chúng tôi cũng đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, như: Trung tâm Văn hóa huyện, UBND các xã, thị trấn để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các quy định về ATGT.

Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực hiện Nghị định; trên địa bàn cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế và cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Cụ thể như: Việc tuyên truyền đến người dân những quy định của Nghị định 100 còn gặp nhiều khó khăn do trình độ nhận thức của người dân chưa cao; thói quen uống rượu của bà con vùng cao thực sự khó thay đổi trong một sớm, một chiều. Một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn có mức phạt khá cao nên khó khăn trong việc xử lý cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ; người vi phạm không chấp hành, bỏ phương tiện không đến giải quyết do thu nhập quá thấp so với mức phạt và giá trị của phương tiện… Chính vì vậy, công tác tuyên truyền đến người dân để người họ chấp hành nghiêm túc những quy định trong Nghị định là vô cùng quan trọng và cần thiết. Từ đó giúp đưa Nghị định 100 vào cuộc sống, thay đổi tích cực nhận thức người dân trên địa bàn.

kieuanh

Nguồn: Báo Hà Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)