Từ ngày 1/1/2020, Nghị định 100 của Chính phủ quy định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” có hiệu lực thi hành, nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tăng mức xử phạt cao hơn nhiều, nhất là lỗi vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm quy định này.
Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông
Người dân ở phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn bàng hoàng khi nhắc đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng 21h ngày 17/4/2020 làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng. Nạn nhân là hai chị em ruột đang trên đường đi tập thể dục về nhà bất ngờ bị xe ô tô tông mạnh từ phía sau, khiến 2 người bị hất tung sang vệ đường.
Tại cơ quan công an, lái xe thừa nhận trước đó có uống chút rượu khi ăn cỗ ở nhà ngoại nên trên đường từ huyện Tam Dương về Hà Nội, đoạn qua địa bàn phường Hội Hợp đã xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Mới đây, khoảng 14h30 phút ngày 26/4, tại Km21, Quốc lộ 2B hướng Vĩnh Yên - Tam Đảo xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa ô tô con và xe máy khiến 4 người tử vong, 1 người bị thương nặng. Trước đó, các nạn nhân cũng có bữa ăn trưa và uống rượu tại một nhà người thân ở gần hiện trường xảy ra tai nạn.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều vụ tai nạn thương tâm mà lái xe đều có sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Nếu như trước đây, người tham gia giao thông đường bộ, đường sắt trong khí thở có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng cho phép sẽ bị xử lý theo quy định; thì khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, sẽ xử lý đối với tất cả các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong khí thở có nồng độ cồn. Như vậy là không kể nồng độ cồn thấp hay cao đều sẽ bị xử lý, nếu nồng độ cồn trong khí thở càng cao thì mức xử phạt tương ứng cũng cao hơn.
Từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ra đời và triển khai đã nhận được ý kiến đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân, nhiều người dân có ý thức "đã uống rượu bia thì không lái xe" và lựa chọn giải pháp di chuyển an toàn khác, góp phần giảm đáng kể tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông so với trước đây, kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.
Bên cạnh bộ phận người dân đồng tình ủng hộ, tuân thủ chấp hành nghiêm việc không sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông theo quy định thì vẫn có một bộ phận người dân chưa nghiêm túc thực hiện quy định này.
Từ đầu năm đến hết tháng 4/2020, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hơn 3.700 ca tuần tra kiểm soát an toàn giao thông; phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt gần 1.000 trường hợp tham gia giao thông mà trong khí thở có nồng độ cồn.
Trong đó có một số trường hợp chịu mức hình phạt gần “kịch trần” trong khung phạt quy định. Các “ma men” sau tay lái này chính là mối nguy hiểm rình rập, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông khi không đảm bảo an toàn cho chính mình và những người khác, không thể kiểm soát tốt các tình huống trong tham gia giao thông.
Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, trong đó có lỗi vi phạm về nồng độ cồn sẽ tác động trực tiếp đến ý thức của người dân, qua đó sẽ làm chuyển biến hành động, thói quen và văn hóa tham gia giao thông.
Từ ngày 15/5 đến 14/6, thực hiện kế hoạch của Bộ Công an, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tổng kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên tỉnh, liên xã có tình hình giao thông phức tạp, mật độ phương tiện cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Qua việc kiểm tra hành chính đối với các phương tiện tham gia giao thông trong giai đoạn này thì đây cũng là dịp để lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm như: Sử dụng ma túy khi tham gia giao thông, vượt quá tốc độ cho phép, đi sai làn đường, phần đường, vi phạm quy định về mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng… đặc biệt là sử dụng rượu bia, ma túy khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người, mọi nhà.