Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo được sức lan tỏa trong việc vận động người tham gia giao thông đường thủy, các chủ bến đò, bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và kể cả lực lượng thực thi công vụ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT), thể hiện văn hóa giao thông, góp phần vì bình yên trên sông nước.
Nỗ lực vì bình yên sông nước
Theo đánh giá, cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra rất thuận lợi và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ban chỉ đạo cuộc vận động đã tiến hành thẩm định, công nhận và nhân rộng 7 mô hình tuyến sông văn hóa, an toàn (VH-AT), 21 bến đò ngang VH-AT và 10 bến thủy nội địa VH-AT. Các mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa đối với người dân, đồng thời tạo ra được môi trường giao thông đường thủy VH-AT và thân thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Công tác tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về giao thông đường thủy được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong trường học, các hộ dân sống ven sông, những người hành nghề trên đường thủy đã tạo được ý thức tự giác tuân thủ các quy định về ATGT.
Theo Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu, 5 năm qua, công tác phối hợp kiểm tra liên ngành giữa các lực lượng và chính quyền địa phương trong hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường thủy nói chung và các mô hình nói riêng đạt hiệu quả. Lực lượng đã xử phạt hành chính trên 11.600 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT đường thủy nội địa với tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng. Tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở trên 2.000 lượt bến thủy nội địa, giải tỏa 900 chiếc phao, đáy neo đánh bắt thủy sản trên các tuyến sông. Mở 13 lớp dạy lái phương tiện thủy và cấp chứng chỉ cho 880 người… Qua đó, tác động tích cực đến vai trò quản lý nhà nước về trật tự ATGT ở cơ sở và ý thức trách nhiệm của các chủ bến, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy nội địa.
Thực hiện chương trình hành động “Vì trẻ em trên sông nước”, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) cũng đã tổ chức 11 lớp dạy bơi miễn phí cho 334 con em cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình do Ủy ban ATGT Quốc gia phát động.
Phương tiện thủy neo đậu chờ đón khách trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi
Còn nhiều phương tiện gia dụng không đăng ký, đăng kiểm
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 50.000 phương tiện thủy các loại, trong đó còn khoảng 8.000 phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Mặt khác, chỉ có 277/650 bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động, chiếm hơn 42%. Điều này do nhiều nguyên nhân như: giá đăng kiểm lần đầu đối với phương tiện thủy khá cao so với thu nhập của người dân nông thôn, phương tiện sử dụng nhiều năm không còn hồ sơ mua bán, người dân ít quan tâm đến việc đăng ký, đăng kiểm do lưu thông bằng phương tiện thủy gia đình trong những năm qua giảm. Bên cạnh đó, các chủ bến gặp khó khăn khi thực hiện yêu cầu phải có bình đồ vùng nước bến có tọa độ gắn mốc tọa độ quốc gia (đối với tuyến sông do Trung ương quản lý), cũng như ngại tốn chi phí, thủ tục cấp phép; nhiều bến nhỏ lẻ tự phát do đời sống người dân còn khó khăn, muốn kiếm thêm thu nhập…
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo đưa ra kiến nghị phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã trong quản lý, giám sát việc chấp hành các quy định của chủ bến, chủ phương tiện. Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu yêu cầu, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa đến từng hộ dân sống ven sông, nhất là những hộ kinh doanh các bến thủy nội địa; phải thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp học lái phương tiện thủy nội địa, giúp đỡ người dân đăng kiểm phương tiện tại cơ sở.
Lực lượng chức năng, các địa phương thường xuyên tuần tra, giải tỏa các chướng ngại vật trên sông, các công trình vượt sông không đảm bảo an toàn; kiên quyết xử lý các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có chứng chỉ lái phương tiện, các bến khách ngang sông không trang bị dụng cụ cứu sinh…, thực hiện đồng bộ quyết liệt, mạnh mẽ mọi giải pháp cần thiết để bảo đảm tốt trật tự ATGT đường thủy nội địa trong thời gian tới.