Tai nạn trên các tuyến giao thông đường thủy (GTĐT) luôn tiềm ẩn khó lường, một khi điều này xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, đảm bảo an toàn GTĐT luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Bến Tre quan tâm, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Cảnh sát giao thông đường thủy
phát tờ bướm tuyên truyền cho hành khách qua sông
Không chấp hành quy định
Từ đầu năm 2021 đến nay, bên cạnh công tác tuyên truyền các quy định an toàn GTĐT cho các chủ phương tiện và nhân dân thì công tác tuần tra, kiểm soát cũng được lực lượng chức năng tăng cường thực hiện. Kết quả, đã phát hiện, xử phạt trên 1.000 trường hợp vi phạm các quy định về trật tự an toàn GTĐT nội địa với các lỗi chủ yếu như: phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm và nhiều nhất là lỗi chở hàng hóa vượt quá vạch mớn nước an toàn; không trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp...
Toàn tỉnh hiện có trên 80 bến đò, bến phà đưa rước khách ngang sông, chủ yếu là phương tiện nhỏ, hoạt động tại các vùng nông thôn. Các bến này đã góp phần tạo điều kiện thuận tiện cho người dân lưu thông, tuy nhiên còn tiềm ẩn mối lo ngại về an toàn giao thông. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, nhưng vẫn còn một số bến vi phạm các quy định an toàn về đường thủy nội địa. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện và hành khách chưa nhận thức đầy đủ hoặc cố tình không chấp hành những quy định về an toàn GTĐT nội địa như không mặc áo phao, không có biển quy định nội quy bến hoặc có nhưng đã cũ; không trang bị dụng cụ chữa cháy hoặc có nhưng quá hạn sử dụng…
Để đảm bảo an toàn GTĐT tại các bến khách khi mùa mưa bão sắp đến, đầu tháng 5/2021, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các bến khách. Đoàn đã đến kiểm tra tại bến đò Tám Thiện, ở ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Ông Võ Văn Thiện (chủ bến) cho biết, bến khách hoạt động hơn mười năm, hàng ngày đưa rước bà con ở hai xã Tiên Thủy và Phú Sơn, huyện Chợ Lách. Phương tiện vượt sông bằng gỗ, được ông Thiện nhiều lần sửa chữa nhưng hiện nay đã xuống cấp. Phương tiện có duy nhất 1 bình chữa cháy nhưng đã hết hạn sử dụng nhiều năm nay. Nhìn ông Thiện lái chiếc phà gỗ “ọp ẹp” băng qua đoạn sông dài gần 1,5km khiến nhiều hành khách không khỏi thấp thỏm, bất an.
Tại bến đò Sơn Phú, huyện Giồng Trôm hoạt động đưa rước khách ngang sông Hàm Luông. Hàng ngày, số lượng hành khách đi đò khá lớn, đoạn vượt sông lại rộng. Vào ngày 2-5-2021, qua công tác kiểm tra của lực lượng Cảnh sát GTĐT Công an tỉnh đã phát hiện người lái phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Chủ bến và hành khách phớt lờ, không thực hiện quy định về mặc áo phao. Anh Tôn Kim Luân, xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, cho biết: “Ai cũng biết quy định khi đi đò qua sông phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn nhưng ít khi thấy chủ bến nhắc nhở nên đôi lúc quên. Mấy hôm trời mưa gió qua sông rất sợ nhưng vẫn phải chịu vì nếu đi đường vòng bằng xe máy thì xa và tốn thời gian”.
Chở quá tải trọng
Cùng với vận tải đường bộ, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy là rất quan trọng, nhất là tại nơi có nhiều kênh rạch như Bến Tre, do đó nếu không có biện pháp kiểm soát tốt hoạt động của các phương tiện này thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao, nhất là vào thời điểm thời tiết diễn biến bất thường. Từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm lượt phương tiện thủy vi phạm chở quá tải trọng cho phép, trong đó riêng trong tháng 5/2021 là 48 trường hợp. Mặc dù theo quy định, vào mùa mưa bão, các phương tiện vận tải đường thủy phải giảm tải để đảm bảo an toàn, tuy nhiên nhiều chủ tàu vẫn phớt lờ quy định này.
Cùng tổ tuần tra Cảnh sát GTĐT Công an tỉnh trên tuyến sông Cổ Chiên, mặc dù thời tiết chuyển biến xấu, dự báo sẽ có mưa khá to, tầm nhìn bị hạn chế, nhưng vẫn có nhiều phương tiện qua lại, phần lớn là các sà lan chở cát, đá tải trọng hàng trăm tấn, một số phương tiện có biểu hiện chở hàng quá tải trọng đến mức nước sông ngập tràn qua mặt sàn, cát chất cao che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện rất nguy hiểm, chỉ cần một chút bất cẩn thì tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản xử phạt, nhiều chủ phương tiện thừa nhận bản thân biết việc chở hàng quá tải trọng là sai quy định pháp luật nhưng nếu chở đúng tải thì không có lời nên đã làm liều.
Thượng tá Hồ Văn Vân - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: “Nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự an toàn GTĐT, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát GTĐT Công an tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về trật tự an toàn GTĐT nội địa; đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra các bến khách, phương tiện thủy, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng đối với các bến khách không đủ điều kiện an toàn thì sẽ kiên quyết không cho hoạt động”.