Nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý tiếp tục diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng cuối năm thì thủ trưởng các sở, ngành, địa phương sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí
Tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua còn diễn biến phức tạp. 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 169 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 110 người, bị thương 97 người. So cùng kỳ năm 2020 tăng 22 vụ (169/147vụ, tăng 15%); tăng 25 người chết (110/85 người, tăng 29,4%); tăng 4 người bị thương (97/93 người, tăng 4,3%), gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn này phần lớn là do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường, vi phạm quy trình thao tác lái xe, vi phạm chuyển hướng, không chấp hành biển báo, xe mô tô - xe máy đâm vào đuôi xe ô tô (100 vụ, chiếm 59,2%) và tình trạng người đi bộ băng qua đường không chú ý quan sát là nguyên nhân gây tai nạn giao thông (13 vụ).
Ngoài nguyên nhân ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông rất kém thì số phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số vụ tai nạn. Trong 6 tháng của năm 2021, toàn tỉnh có 2.414 ô tô và 25.903 mô tô - xe máy đăng ký mới. Theo tính toán của ngành chức năng trung bình 1 ngày có trên 15.000 lượt phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A. Trong khi đó cơ sở hạ tầng không phát triển, phương tiện lưu thông hỗn hợp trên cùng một tuyến Quốc lộ 1A.
Nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Năm an toàn giao thông” năm 2021 trong các cấp, các ngành, phấn đấu kiềm chế, kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí so năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký ban hành chỉ thị về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là Ban An toàn giao thông và các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và cấp cơ sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tăng cường các giải pháp, biện pháp trong công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT và nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc pháp luật trong tham gia giao thông đường bộ của cán bộ và quần chúng nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện nếu để tình hình TTATGT trên địa bàn quản lý tiếp tục diễn biến phức tạp, TNGT tăng cao trong 6 tháng cuối năm.
Xử lý nghiêm, tuyên truyền sâu rộng
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng, công an các huyện, thị xã, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện và trang thiết bị, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm. Trong đó tập trung xử lý mạnh các lỗi trực tiếp dẫn đến TNGT, đối với cả xe ô tô và môtô, xe máy, trên tuyến quốc lộ, các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, liên thôn trên từng địa bàn, không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép. Tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng và viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong công tác điều tra, xử lý các vụ TNGT theo quy định của pháp luật. Sở Giao thông Vận tải khẩn trương chỉ đạo, phối hợp với cơ quan công an xử lý, khắc phục triệt để các điểm đen, bất hợp lý về cơ sở hạ tầng giao thông chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè và hành lang đường bộ, duy tu sửa chữa các đoạn đường hư hỏng, xuống cấp.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình TTATGT và các quy định của pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, kiên quyết tổ chức đưa đối tượng vi phạm về TTATGT ra kiểm điểm trước dân; gọi hỏi, răn đe đối với các đối tượng thường xuyên vi phạm, tổ chức cho từng cán bộ, hộ gia đình viết cam kết nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; mời gọi các chủ kinh doanh xe khách, xe tải, xe container, xe ben và các hãng xe du lịch trên địa bàn tỉnh để nhắc nhở, cam kết và yêu cầu các chủ xe có biện pháp quản lý, giáo dục đối với lái xe trong phạm vi địa bàn quản lý.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp, phấn đấu kiềm chế và kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên tuyến cố định, vận tải hàng hóa bằng container… Kiên quyết xử lý những cơ sở không đủ điều kiện, đình chỉ hoạt động những cơ sở cố tình vi phạm các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình TTATGT tại địa phương.