Phú Thọ là tỉnh miền núi, nhiều khu vực có địa hình phức tạp, địa chất không ổn định lại có độ dốc lớn nên thường xuyên xảy ra các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Bước vào mùa mưa bão năm nay, để đảm bảo an toàn và chủ động khắc phục khi có sự cố, ngành Giao thông đã tập trung tu bổ, hoàn thành sửa chữa nhiều tuyến, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Cầu Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn với vốn đầu tư hơn 28 tỉ đồng được đưa vào sử dụng
góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, khắc phục tình trạng chia cắt, cô lập khi có mưa lũ.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 62km đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai; 9 tuyến quốc lộ với 531km đi qua, trong đó có 7 tuyến được Bộ GTVT ủy thác quản lý, gồm: QL32, QL32B, QL32C, QL32C tuyến tránh thành phố Việt Trì, QL70B, QL2D, đường Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài 440km; 2 tuyến do Cục Quản lý đường bộ I quản lý, gồm QL2 và QL70, với tổng chiều dài 91km; 54 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 786km, tỉ lệ cứng hóa đạt 99%. Có 12 cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy, sông Bứa; trên 400 cầu trung, nhỏ trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương. Nhiều tuyến giao thông là đường đi qua khu vực đồi núi, vực sâu, địa chất phức tạp, thảm thực vật mỏng nên khi mưa lũ xảy ra nguy cơ sụt, trượt taluy nền đường, sa bồi và ngập úng lớn làm cho việc khắc phục thiệt hại, đảm bảo giao thông gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có 5 sông chảy qua, với tổng chiều dài 316,5km, trong đó sông Lô, sông Hồng và sông Đà có chiều dài là 224,5km; sông Chảy và sông Bứa có tổng chiều dài 92km.
Theo thống kê của Sở GTVT Phú Thọ, trong tháng 5, 8 và 9 năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các trận mưa lớn, kèm theo gió lốc kéo dài gây ra ngập cục bộ một số đoạn tuyến và làm sạt lở mái taluy âm, dương làm ách tắc một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên do có sự chuẩn bị tốt và chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nên các điểm xô, sụt, hư hỏng mặt đường, tràn, ách tắc được nhanh chóng thông xe trong thời gian ngắn.
Cầu tránh lũ tại xã Văn Luông được đầu tư với tổng kinh phí gần 30 tỉ đồng.
Tân Sơn là huyện miền núi thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa bão gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhiều công trình giao thông trên địa bàn. Với địa hình đồi núi dốc nên trên các tuyến đường 32A, đoạn qua xã Mỹ Thuận, Tân Phú, Thạch Kiệt; đường Minh Đài đi Xuân Đài, Xuân Sơn; đường từ UBND xã Thu Ngạc đi đèo Mương… có nhiều nguy cơ sạt lở đất. Để chủ động trước mùa mưa bão năm nay, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.
Ông Nguyễn Thiết Hải - Chủ tịch UBND xã Văn Luông cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu năm, xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão; thành lập các tổ chốt duy trì trực 24/24h ở các đầu tràn khi có mưa lũ xảy ra, sẵn sàng huy động lực lượng người và phương tiện tham gia vào công tác PCTT-TKCN.
Với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt, Sở GTVT đã cụ thể hóa các nội dung, phương án khắc phục thiên tai của các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ Việt Nam và của tỉnh sát với điều kiện thực tế, đặc thù về địa hình của từng tuyến đường trên địa bàn. Xây dựng phương án đảm bảo giao thông, phân luồng chi tiết trên từng tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, phòng khi xảy ra sạt lở. Thành lập tổ xung kích của Sở để ứng phó với thiên tai khi xảy ra, bố trí cán bộ trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin về các sự cố giao thông. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban chuyên môn của Sở phối hợp với các đơn vị đang làm công tác quản lý duy tu bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh để tăng cường tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu; tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường, nhận dạng các vị trí tiềm ẩn mất an toàn, nguy cơ xảy ra thiệt hại để giải tỏa, di dời; kiểm tra rà soát các vị trí xung yếu, dòng chảy thượng, hạ lưu cầu, cống để khơi thông, xử lý nhằm tránh thiệt hại.
Việc đảm bảo ATGT đường thủy mùa mưa lũ cũng được đặc biệt quan tâm. Các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với Sở GTVT kiểm tra về an toàn đường thủy nội địa, xác định khu tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền để có phương án sắp xếp neo đậu. Sở GTVT Phú Thọ đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với tất cả phương tiện vận tải thủy nội địa; nhắc nhở các chủ phương tiện, địa phương về quy định đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão.
6 tháng đầu năm, huyện Tân Sơn đã tiến hành bảo dưỡng thường xuyên 6 tuyến đường quốc lộ với tổng chiều dài 405km và 54 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 786km; trong đó đã hoàn thành sửa chữa định kỳ 23,2km quốc lộ, đang tiến hành sửa chữa 25,4km đường tỉnh; xử lý hoàn thành 2 “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, đang tiến hành xử lý 4 vị trí “điểm đen”; tổ chức lại giao thông 2 nút giao; sửa chữa khe co giãn 7 cầu; bổ sung thay thế 122 biển báo hiệu đường bộ các loại, sơn vạch tim đường 2.992m2, bổ sung 12.914m hộ lan tôn sóng… Tổng mức đầu tư cho các dự án gần 210 tỉ đồng.
Trước những dự báo có thể mưa lớn kéo dài trong thời gian tới, Sở GTVT Phú Thọ tiếp tục triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông; chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhân lực dự phòng và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành ứng phó với mưa lũ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án sửa chữa định kỳ; tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định: Sở GTVT đáp ứng được năng lực ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên cơ sở “4 tại chỗ”. Lực lượng tại chỗ; vật tư phương tiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ”. Khi tình huống thiên tai có thể xảy ra, tiến hành huy động các nguồn lực để đáp ứng mục tiêu ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu góp phần quan trọng phát triển bền vững kinh tế- xã hội của ngành và địa phương.