Tai nạn giao thông(TNGT) trên địa bàn Thủ đô trong 9 tháng năm 2021 giảm sâu trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Tuy nhiên, kết quả này có một phần là do thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, người dân hạn chế ra đường dẫn tới lưu lượng người, phương tiện giảm đáng kể.
Do đó, không chủ quan với kết quả đã đạt được, thành phố tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm bảo đảm hiệu quả bền vững.
Việc người dân nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ sẽ góp phần giảm tối đa tai nạn.
Giảm sâu cả 3 tiêu chí
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, trong 9 tháng năm 2021, toàn thành phố xảy ra 589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người và bị thương 376 người. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 125 vụ (tương đương 17,51%); giảm 50 người chết (16,72%) và giảm 101 người bị thương (21,17%). Về nguyên nhân tai nạn, chiếm tỷ lệ cao nhất là lỗi người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát (209 vụ, chiếm 34,48%). Tiếp đến là đi sai phần đường (112 vụ, chiếm 19,02%); vi phạm về tốc độ (69 vụ, chiếm 11,71%)…
Đánh giá về những giải pháp đột phá giúp kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thời gian qua, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội Tạ Đức Giang cho rằng, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với các chế tài đủ mạnh đã đi vào đời sống và thay đổi thói quen tham gia giao thông của người dân. Đa số người dân đồng tình, ủng hộ việc xử phạt nặng các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cùng với đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội về bảo đảm an toàn giao thông rất quyết liệt, hiệu quả. Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông vẫn được các lực lượng chức năng duy trì.
Nhận định của ông Tạ Đức Giang cũng trùng với ý kiến của nhiều người dân. Trong đó, anh Nguyễn Anh Vũ (phố An Dương, quận Ba Đình) cho hay: “Việc lực lượng chức năng thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ đã khiến tôi phải thay đổi thói quen tham gia giao thông như không tự điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn”.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, thời gian qua, cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, quận thường xuyên khảo sát để kịp thời phát hiện các bất cập trong tổ chức giao thông, từ đó chủ động phối hợp với các đơn vị của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng giao thông. “Cơ quan chức năng đã di dời 6 đảo chờ xe buýt trên tuyến đường Láng và Xã Đàn, bổ sung các biển báo, biển cấm nhằm giảm nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt... Trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn quận xảy ra 16 vụ tai nạn, làm 5 người chết và 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 2 vụ, giảm 1 người chết và 3 người bị thương”, ông Hà Anh Tuấn thông tin.
Tăng cường tuyên truyền, đẩy nhanh xóa “điểm đen”
Nỗ lực chung của toàn thành phố trong việc kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí là rất đáng ghi nhận, song nhiều ý kiến cũng cho rằng, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng đã có những tác động không nhỏ tới kết quả kiểm soát tai nạn giao thông của Hà Nội. Thực tế, trong thời gian giãn cách xã hội, trên địa bàn thành phố, số lượng phương tiện lưu thông giảm đáng kể, các tuyến phố thưa vắng người; phương tiện công cộng như taxi, xe buýt, xe ứng dụng công nghệ đều ngừng hoạt động. Theo Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh, điển hình như đợt cao điểm nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, vì thực hiện giãn cách xã hội nên người dân hạn chế đi lại, do đó giao thông trên các tuyến trọng điểm, cửa ngõ thông suốt, đặc biệt không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Vì vậy, không chủ quan, lơ là mà phải chủ động thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, xã hội bước sang trạng thái “bình thường mới” vẫn là nhiệm vụ được đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng. Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội Tạ Đức Giang cho biết, trong các tháng cuối năm 2021 cũng như các giai đoạn tiếp theo, việc bảo đảm an toàn giao thông cũng cần đổi mới, như chú trọng hình thức tuyên truyền trực tuyến để tiếp tục nâng cao ý thức của người dân. Với đối tượng học sinh, Ban đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo, các trường học trên địa bàn phối hợp với gia đình qua các ứng dụng như Zalo, Viber... để phổ biến quy định bảo đảm an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh việc duy tu, duy trì, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung khắc phục các điểm ùn tắc giao thông và “điểm đen” về tai nạn giao thông cũng như xử lý nghiêm mọi vi phạm.
“Với các “điểm đen”, qua kiến nghị của chính quyền địa phương và Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải đã rà soát, bổ sung gờ giảm tốc, biển báo, vạch sơn, tăng cường hệ thống chiếu sáng, lắp đặt đèn tín hiệu... cho phù hợp với tình hình giao thông tại từng vị trí nhằm quyết tâm giảm thiểu tai nạn do lỗi của hạ tầng, bảo đảm phục vụ người dân đi lại an toàn”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ngô Mạnh Tuấn thông tin./.