Thời điểm cuối năm, nhu cầu di chuyển, vận tải hàng hóa của người dân tăng mạnh, công tác quản lý an toàn giao thông (ATGT), an ninh trật tự (ANTT) trên các tuyến giao thông thủy nội địa trở nên khó khăn, phức tạp hơn, nhất là trên địa bàn Vĩnh Phúc có tới 3 con sông lớn chảy qua.
Để giữ vững sự bình yên trên những tuyến sông, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch, phân công lực lượng chuyên trách bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện các quy định pháp luật về ATGT, ANTT đường thủy; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lực lượng CSGT đường thủy tổ chức tuần tra, kiểm soát
đảm bảo ATGT, ANTT trên các tuyến sông
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến sông lớn chảy qua với tổng chiều dài hơn 116 km, bao gồm sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Tường - Yên Lạc; sông Lô, đoạn qua địa bàn huyện Lập Thạch - Sông Lô; sông Phó Đáy, chảy qua 4 huyện Lập Thạch - Tam Đảo - Tam Dương - Vĩnh Tường.
Với việc tiết kiệm chi phí, giảm tải cho mạng lưới giao thông đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, số lượng bến thủy nội địa, phương tiện giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng dần qua các năm.
Theo số liệu của Phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, toàn tỉnh có gần 50 bến bãi kinh doanh vận tải đường thủy; trung bình mỗi ngày, có khoảng 500 phương tiện tàu, bè các loại lưu thông trên các tuyến sông; số lượng này có thể tăng mạnh vào các tháng cao điểm cuối năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT, ANTT, đòi hỏi lực lượng chức năng phải tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn.
Trung tá Nguyễn Hữu Thành, Phó Trưởng phòng CSGT, phụ trách giao thông đường thủy cho biết: “Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng mạnh, hơn nữa, đây cũng là thời điểm mùa nước cạn trong năm, lòng sông hẹp, dễ xảy ra va chạm giữa các phương tiện, gây ách tắc giao thông, dẫn đến tình hình ATGT, ANTT trên các tuyến sông trở nên phức tạp hơn.
Với 19 cán bộ, chiến sĩ chuyên trách, phòng đã phân công cán bộ chia 4 ca tuần tra, kiểm soát và phân luồng giao thông trên các tuyến sông mỗi ngày, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, phòng cũng bố trí hệ thống biển báo ATGT, biển cảnh báo tại các khu vực nước cạn để chủ phương tiện dễ dàng nhận biết; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về ATGT, ANTT đường thủy”.
Hết tháng 11/2021, Phòng CSGT đã phát hiện, lập biên bản xử phạt 369 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy, xử phạt hành chính với số tiền hơn 216 triệu đồng.
Trung tá Thành cho biết thêm: “Vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy có xu hướng tăng dần qua các năm, với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với các hành vi liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép, tệ nạn xã hội, buôn lậu...
Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức tham gia giao thông đường thủy của người dân còn hạn chế, dẫn đến các vi phạm phổ biến hay mắc phải như chở quá số người, hàng hóa quy định; thiếu giấy tờ lưu hành phương tiện; phương tiện lưu hành, không đảm bảo thông số kỹ thuật...
Mặt khác, lực lượng và phương tiện phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống tội phạm đường thủy hiện nay còn hạn chế. Trong lĩnh vực đảm bảo ATGT, đơn vị hiện vẫn chưa được trang bị phương tiện phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn trong trường hợp tàu, bè tham gia giao thông gặp sự cố, gây ùn tắc”.
Để đảm bảo ATGT, ANTT trên các tuyến sông trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, Đội CSGT đường thủy đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến sông.
Yêu cầu 100% chủ các bến bãi, phương tiện ký cam kết đảm bảo chất lượng phương tiện, số hành khách, hàng hóa vận chuyển theo quy định; không tàng trữ, vận chuyển các mặt hàng cấm, hàng hóa chưa rõ gốc xuất xứ; nói không với các hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Trong đó, triển khai có hiệu quả kế hoạch phối hợp, nắm bắt tình hình hình liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Hồng và sông Lô, giảm thiểu nguy cơ gây mất ANTT.
Tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý đường sông phân luồng đảm bảo công tác cứu hộ cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố; hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn, không để xảy ra ùn tắc, tại nạn giao thông.