Tai nạn giao thông (TNGT) là vấn nạn xã hội, gây mất mát lớn về tài sản, tính mạng và tác động đến sự phát triển KT – XH. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Hà Giang đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiềm chế tai nạn, giảm số vụ, số người tử vong và bị thương do TNGT.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý vi phạm
Giai đoạn từ 2020 đến nay, Hà Giang là một trong những địa phương duy trì giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Mặc dù có nhiều chuyển biến, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Bên cạnh đó, một vấn đề cần quan tâm là số vụ, số người tử vong do TNGT ở đối tượng trẻ có xu hướng gia tăng; đây là nhóm tuổi lao động chính nên kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân của các vụ TNGT phổ biến và trực tiếp do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế. Các vi phạm dẫn đến TNGT chủ yếu là lấn chiếm, đi không đúng phần đường quy định, tránh, vượt ẩu, không chú ý quan sát, vi phạm nồng độ cồn... TNGT tập trung xảy ra tại các tuyến quốc lộ, tuyến đường có mật độ giao thông cao, khu vực đèo dốc nguy hiểm...
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) được các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Ban ATGT các cấp đẩy mạnh triển khai. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức, cảnh báo nguy cơ, nguyên nhân gây TNGT. Các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng như: Qua loa phát thanh tại các nút giao thông, các điểm đăng ký xe, xử lý vi phạm; tuyên truyền trường học, khu dân cư, chiếu bóng lưu động… Riêng năm 2021, toàn tỉnh tổ chức được 1.134 buổi tuyên truyền, thu hút trên 86.000 người tham gia; phát 8.600 cẩm nang và trên 11.000 tờ rơi tuyên truyền ATGT… Đồng thời, duy trì, nhân rộng các mô hình đảm bảo trật tự ATGT tại các cổng trường học, khu dân cư, góp phần hình thành nét đẹp văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Thượng tá Hoàng Anh Đức, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ, quyết tâm cao, toàn lực lượng triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT, nhất là các giải pháp kiềm chế TNGT. Hàng năm, đơn vị tập trung xây dựng, triển khai hiệu quả, đồng bộ các kế hoạch cao điểm tuần tra, xử lý vi phạm theo các chuyên đề. Bên cạnh đó, huy động tối đa trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức tuần tra, kiểm soát vi phạm trật tự ATGT theo hướng xử lý khép kín khung giờ, địa bàn. Qua đó, kịp thời kiểm soát, xử lý các lỗi trực tiếp gây TNGT…
Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh tập trung phổ biến các quy định, chế tài xử lý vi phạm theo Nghị định số 100 ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra cơ bản, tuần tra tại các địa bàn có nhiều nhà hàng, khu vui chơi... để bố trí lực lượng kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, nhất là khung giờ thường xảy ra TNGT. Năm 2021, lực lượng CSGT toàn tỉnh thực hiện 6.560 ca tuần tra, kiểm soát, dừng kiểm tra 10.548 trường hợp; qua đó, phát hiện, xử lý 854 trường hợp vi phạm, thu nộp Kho bạc nhà nước trên 3 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhằm tạo ra sự xuyên suốt, tác động mạnh mẽ; vừa qua, Công an tỉnh ban hành Kế hoạch mở cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn” kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 12.2022. Kế hoạch nhằm giảm TNGT do vi phạm nồng độ cồn, tạo ra tính răn đe, giáo dục, chuyển biến về nhận thức của người tham gia giao thông.
Với mục tiêu giảm TNGT từ 5-10% cả về số vụ, số người tử vong và bị thương, năm ATGT 2022 có chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19”. Thời gian tới, tỉnh ta tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao hiệu quả Kết luận số 45 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT; áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu KHKT vào công tác đảm bảo ATGT; bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tích cực xây dựng văn hoá giao thông an toàn…