Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 26 tuyến sông, kênh, 2 lòng hồ có thể khai thác để phục vụ GTVT đường thủy nội địa, với chiều dài 1.170 km.
Tàu thuyền tập kết cát ven sông Chu, địa bàn thị trấn Thiệu Hóa
Hiện tại, đã công bố và đưa vào khai thác, quản lý và bảo trì 23 tuyến đường thủy nội địa, với chiều dài 761 km (8 tuyến quốc gia có chiều dài 213 km và 15 tuyến địa phương có chiều dài 548 km). Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.600 phương tiện thủy nội địa; trong đó, có 1.307 phương tiện đã đăng ký, 1.413 phương tiện đã đăng kiểm. Các phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chủ yếu được sử dụng để khai thác và vận chuyển cát, sỏi trên các tuyến sông, kênh; ngoài ra, còn một số phương tiện gia dụng loại nhỏ tham gia chở gỗ, luồng, đánh bắt thủy sản trên các tuyến sông, lòng hồ thủy điện thuộc các huyện miền núi.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 64 bến thủy nội địa được Sở GTVT cấp phép và đến nay chỉ còn 50 bến đang hoạt động và các bến này chủ yếu được dùng để tập kết cát, sỏi, kinh doanh xăng dầu và sửa chữa phương tiện. Đồng thời, có 3 bến sử dụng để bốc xếp hàng hóa tổng hợp, 4 bến hành khách dùng để đưa đón khách đi tham quan du lịch (bến du thuyền Hoàng Long, bến tại bãi biển Hải Tiến, bến Vườn Quốc gia Bến En, bến hồ Cửa Đạt).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 52 bến khách ngang sông thuộc 16 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 32 bến đã được cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, 20 bến chưa được cấp giấy phép. Các bến khách ngang sông chưa được cấp giấy phép hoạt động hầu hết là nằm ở các huyện miền núi, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế và chủ yếu là để phục vụ dân sinh không mang tính chất kinh doanh, do nguồn kinh phí của chủ bến và địa phương còn nhiều khó khăn vì vậy chưa có kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm đủ tiêu chí để cấp phép (như đường lên xuống bến, nhà chờ, biển báo hiệu...).
Trước thực trạng đó, căn cứ Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/1/2021 của Chính phủ, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 8/10/2021, phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp phép và quản lý hoạt động của các bến khách ngang sông thuộc địa bàn quản lý. Hàng năm, Sở GTVT xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, cấp phép hoạt động bến khách ngang sông tại các huyện, thị xã, thành phố; qua đó, kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh để việc cấp phép được thực hiện theo đúng quy định.
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở GTVT đã có nhiều văn bản đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa tại các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý phương tiện đang hoạt động nhưng không có đăng kiểm, đăng ký, phương tiện hết hạn đăng kiểm, phương tiện không trang bị áo phao, cục nổi cứu sinh, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông chưa được cấp phép. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về trật tự, ATGT đường thủy nội địa, Trong 4 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, xử lý 4 trường hợp vi phạm trật tự, ATGT đường thủy, nộp Kho bạc Nhà nước với tổng số tiền 19 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, cho thấy hầu hết những người hành nghề trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, do vậy việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại bến khách ngang sông chưa được cấp phép tại địa bàn các huyện miền núi, nguyên nhân do chưa có kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục tại bến đáp ứng đủ các tiêu chí để cấp phép. Các phương tiện thủy nội địa của người dân chủ yếu được đóng theo mẫu dân gian tại các xưởng đóng tàu tự phát không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc được mua đi bán lại qua nhiều người nhưng không có giấy tờ hợp lệ, do đó cơ quan thuế không có cơ sở để định giá tài sản làm căn cứ thu thuế trước bạ, vì vậy mặc dù có những phương tiện đã được Sở GTVT làm thủ tục đăng kiểm nhưng người dân lại không nộp được thuế trước bạ để làm thủ tục đăng ký cho phương tiện.
Vẫn còn tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, nguyên nhân là do tâm lý không muốn đi học cơ sở đào tạo ở xa (trên địa bàn tỉnh hiện tại chưa có cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện). Bên cạnh đó, phần lớn đối tượng hành nghề sông nước có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp nên việc theo học các lớp đào tạo để được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn là rất khó. Trên địa bàn tỉnh chưa có cảng vụ đường thủy nội địa để thực hiện công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành tại các cảng, bến thủy nội địa.
Đồng chí Vũ Minh Thuận, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT, cho biết: Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở GTVT đề nghị Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, những hộ dân sinh sống ven sông, suối nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Đi đôi với đó, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ GTVT xem xét có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho những người dân có trình độ văn hóa thấp được tham gia các khóa học đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê số lượng người có nhu cầu học để được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa gửi Sở GTVT để tổng hợp báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho phép Trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa hoặc Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa được liên kết đào tạo với các cơ sở trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tổ chức đào tạo tại các huyện trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thống kê số lượng phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn nhưng chưa thực hiện đăng kiểm, đăng ký hoặc hết hạn đăng kiểm gửi Sở GTVT để tổ chức thực hiện đăng kiểm cho phương tiện.
Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh thành lập các ban quản lý bến tại các bến hành khách để thực hiện quản lý và cấp phép cho tàu, thuyền ra vào bến nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT tại các bến thủy nội địa. Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an tỉnh, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các tuyến sông, kênh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa.