Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), hướng tới xây dựng đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng văn hóa giao thông, tạo nên ý thức ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông của người dân.
Lực lượng CSGT, Công an thành phố Vĩnh Yên tăng cường tuần tra xử lý vi phạm TTATGT.
Xác định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban ATGT quốc gia và các bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT.
Trong đó, tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, đảm bảo hợp lý, khoa học phù hợp với tiêu chuẩn, tạo liên kết vùng, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác quản lý hoạt động vận tải, kiểm định phương tiện, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) được tăng cường về chất lượng; công tác tuần tra, thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đạt hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về TTATGT, văn hóa giao thông an toàn được triển khai dưới nhiều hình thức, từng bước hình thành trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh văn hóa giao thông an toàn, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông được nâng cao.
Với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp, hằng năm, TNGT trên địa bàn tỉnh liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí, đưa Vĩnh Phúc lên tốp đầu các tỉnh liên tục giảm TNGT được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GTVT tặng Cờ thi đua, Bằng khen.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, do sự phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch dịch vụ tăng cao dẫn tới sự gia tăng các loại phương tiện giao thông. Cơ sở hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông còn mỏng, nên việc tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT chưa được duy trì thường xuyên, liên tục.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật về TTATGT được tăng cường nhưng hình thức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế. Nhất là, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ ở 2 thành phố và một số địa bàn khu công nghiệp đang trở thành vấn đề bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chưa tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT; chưa có tính cộng đồng khi tham gia giao thông; thờ ơ khi gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ hay có những hành vi, cư xử thiếu văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông...
Qua thống kê, các vi phạm TTATGT chủ yếu xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông như: Vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chạy xe quá tốc độ, lạng lách, đánh võng...
Nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng dự thảo, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2030” với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn.
Theo đó, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế, nhằm hướng tới mục tiêu mỗi người dân luôn tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, TTATGT; có thái độ hợp tác, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra TNGT.
Đồng thời, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng về tình hình TTATGT; phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý các sự cố về TTATGT; tuân thủ pháp luật khi bị xử lý các hành vi vi phạm TTATGT…
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục kiện toàn, hiện đại hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước về giao thông, vận tải nhằm xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống giao thông, vận tải hiện đại, an toàn.
Xây dựng, nâng cao năng lực làm việc có tính chuyên nghiệp cho các lực lượng thực thi, hướng dẫn, cưỡng chế thi hành pháp luật về TTATGT nghiêm minh, chuẩn mực, lịch sự…