Ủy ban nhân tỉnh Tiền Giang vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang giao trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai quán triệt các tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ trong toàn cơ quan, đơn vị, thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở CB,CC,VC gương mẫu thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ, có hành vi ứng xử phù hợp, có văn hóa khi tham gia giao thông để làm gương và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện.
Giao cho Ban an toàn giao thông tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông và các ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông đến mọi người dân, phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị;
Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương vận dụng lồng ghép nội dung tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ gắn với các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, ấp (khu phố) văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị phù hợp với từng địa phương để vận dụng triển khai thực hiện.
Công tác tuyên truyền giáo dục thực hiện theo các tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và thường xuyên liên tục bằng nhiều hình thức phù hợp, lồng ghép với các công tác tuyên truyền về an toàn giao thông để từng bước xây dựng hình thành nếp sống văn hóa giao thông trong từng người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó CB,CC,VC, lực lượng vũ trang phải gương mẫu thực hiện để quần chúng nhân dân noi theo.
* Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ theo Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL ngày 9-10-2013 của Bộ VH-TT &DL:
Tiêu chí chung gồm có: Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; Đi đúng làn đường, phần đường quy định; Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; Có ý thức văn hoá xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn…
Các tiêu chí cụ thể áp dụng cho một số đối tượng:
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giao thông: Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Tuân thủ các quy định của pháp luật trong quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông; Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hợp lý, khoa học phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo mỹ quan và môi trường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông đến mọi người dân, phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, vùng miền. Xây dựng hệ thống cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn chuẩn mực để xử lý các vụ tai nạn, sự cố giao thông…
Đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông: Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, thuận lợi cho người tham gia giao thông. Thực thi, hướng dẫn, cưỡng chế, thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông nghiêm minh, chuẩn mực, lịch sự. Nhanh nhạy, linh hoạt trong giải quyết các tình huống ùn tắc và tai nạn giao thông. Ứng xử văn minh, không sách nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ. Hướng dẫn, giúp đỡ người tham gia giao thông, đặc biệt là người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ…
Đối với người tham gia giao thông: Không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông. Chấp hành nghiêm túc hệ thống báo hiệu đường bộ, đi đúng phần đường, làn đường quy định; không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định.
Có thái độ hợp tác, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra tai nạn giao thông. Có trách nhiệm phản ánh và lên án các hành vi tiêu cực; Tận tình giúp đỡ người bị nạn, người già, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông. …
Đối với cư dân sinh sống ven đường giao thông: Tự giác chấp hành và tích cực tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng về tình hình trật tự, an toàn giao thông; Hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác sơ cứu, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.
Phê phán, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Không tham gia các hoạt động cản trở, gây rối làm mất trật tự, an toàn giao thông. Không cổ vũ đua xe trái phép…
Đối với chủ phương tiện tham gia giao thông: Đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải; chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của chủ phương tiện trong việc khắc phục, giải quyết tai nạn giao thông. Tự giác thực hiện việc sang tên, đổi chủ khi chuyển nhượng, mua bán phương tiện theo quy định của pháp luật…
Nguồn: www.baoapbac.vn