Bắc Ninh: Văn hóa giao thông với bình yên sông nước

Thứ năm, 01/08/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 3 năm thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã mang lại những kết quả thiết thực. Cuộc vận động huy động được sức mạnh tổng hợp với sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, chính quyền các địa phương, các tầng lớp nhân dân có tuyến sông đi qua.
Sau 3 năm thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã mang lại những kết quả thiết thực. Cuộc vận động huy động được sức mạnh tổng hợp với sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, chính quyền các địa phương, các tầng lớp nhân dân có tuyến sông đi qua.
Nhiều mô hình, cách làm hay được áp dụng, triển khai rộng khắp trên cả 3 tuyến sông chảy qua địa bàn tỉnh là sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình. Nhờ đó, tai nạn sông nước không xảy ra, bình yên các tuyến sông được bảo đảm.

Đầu mùa mưa lũ, chúng tôi đã có chuyến thị sát cùng các chiến sỹ cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT (Công an tỉnh Bắc Ninh) dọc tuyến sông Đuống, nơi có 2 bến đò được xây dựng điểm “Bến đò văn hóa-an toàn”. Ngoài việc bến bãi được xây dựng đầy đủ, khang trang với nhà chờ, đường bê tông lên xuống đò và đò trang bị mới thì cách ứng xử của chủ đò với hành khách thật văn minh, thân thiện. Ông nguyễn Tiến Thuần, chủ đò gắn bó với bến đò Châu Cầu (Quế Võ) hơn 20 năm vừa phát phao tròn cho hành khách sang sông vừa nhắc nhở các biện pháp bảo đảm an toàn sông nước khi có sự cố xảy ra. 100% hành khách vui vẻ chấp hành “mệnh lệnh” của chủ đò.

Ông Thuần cho biết: “Những năm trước để vận động được người đi đò mặc áo phao hay đeo phao tròn qua sông thật khó. Họ đều cho rằng không cần thiết, rất vướng víu. Sau nhiều lần nhắc nhở, vận động, thậm chí kiên quyết không cho qua sông nếu hành khách nào không chấp hành, thì nay, việc sử dụng dụng cụ phao cứu sinh đã trở thành nền nếp, thói quen không thể thiếu của mỗi hành khách. Bến đò Xuân Dương là một trong 2 bến đò điểm về văn hóa sông nước.

Ông Nguyễn Văn Thiện, chủ đò cho hay: “Việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy được bến đò thực hiện nghiêm. Đò nhiều năm chưa để xảy ra sự cố nghiêm trọng. Hành khách đi đò được trang bị các dụng cụ bảo đảm, yên tâm qua sông”. Hành khách Nguyễn Văn Trị, Vạn Ninh (Gia Bình) cho biết: “Khi xuống đò, chủ đò nhắc nhở phải mặc áo phao hoặc đeo phao tròn, phát tờ rơi tuyên truyền về một số biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách khi qua sông. Nhờ vậy, chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm, nhất là trong mùa mưa lũ khi mực nước sông đang dâng cao”.

Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã trở thành phong trào rộng khắp với nhiều “Bến đò văn hóa - an toàn”, “Đoạn sông tự quản an toàn” xây dựng ở các tuyến sông, được nhân dân đánh giá cao. Cuộc vận động cũng từng bước xây dựng đội ngũ những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường thủy chính quy, có trách nhiệm trong công tác, trong tiếp xúc và ứng xử với quần chúng nhân dân. Đồng thời hình thành thói quen ứng xử có văn hóa, chấp hành pháp luật đối với tất cả chủ tàu, thuyền, người dân sinh sống ven sông, trên sông. Trung tá Phạm Trọng Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT (Công an tỉnh), người có thâm niên 35 năm gắn bó với sông nước nhận định: “Cuộc vận động thực sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ngay sau khi Ủy ban ATGT Quốc gia phát động thực hiện Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trong cả nước, Ban ATGT tỉnh đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động và thành lập các tổ giúp việc Ban chỉ đạo, lấy lực lượng cảnh sát đường thủy làm nòng cốt. Trong quá trình thực hiện Cuộc vận động, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT thủy được đặt lên hàng đầu, kết hợp với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các đối tượng tái vi phạm nhiều lần, với quyết tâm đưa văn hóa sông nước thực sự đi vào cuộc sống”.

Được biết, Ban ATGT tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng cảnh sát đường thủy, thanh tra Sở Giao thông, Vận tải, Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 4, cảng vụ... thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn tại các bến đò ngang và các phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên sông...

Ban ATGT tỉnh cũng trang bị miễn phí các thiết bị an toàn, dụng cụ cứu sinh cho các bến đò; Cấp phát hàng nghìn tờ rơi, pano, áp phích tuyên truyền về ATGT đường thủy cho người điều khiển phương tiện và người dân sinh sống dọc các tuyến sông; kiên quyết xử lý các bến đò vi phạm Luật Giao thông đường thủy. Đã có 2 bến đò ngang bị đình chỉ hoạt động và 5 đò ngang hết hạn lưu hành, cưỡng chế 2 phương tiện chở khách chưa đăng ký lưu hành và hơn 2.000 lượt tàu, thuyền vi phạm Luật Giao thông đường thủy bị xử lý. Các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy, cảnh báo tai nạn sông nước xảy ra...

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương có tuyến sông đi qua tích cực hơn nữa trong việc nhân rộng các mô hình “Bến đò văn hóa-an toàn”, “Đoạn sông tự quản an toàn”, “bến đò kiểu mẫu”, chủ phương tiện gương mẫu, người dân gương mẫu... ở tất cả các tuyến sông trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đưa văn hóa sông nước thực sự đi vào cuộc sống.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)