Bạc Liêu: Văn hóa Giao thông - Người lớn hãy làm tấm gương cho trẻ

Thứ sáu, 23/08/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con thường tìm những hình mẫu quanh mình để noi theo. Đó có thể là cha mẹ, thầy cô giáo - những người hàng ngày tiếp xúc, có sức ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất. Và ngày nay, khi “văn hóa giao thông” với những hành vi căn bản như chấp hành đèn tín hiệu, đi đúng phần đường, quan sát khi chuyển hướng, nhường đường… thường được nhắc đến thì không có sự giáo dục nào hiệu quả hơn là những hành vi đúng đắn của cha mẹ, thầy cô giáo...
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con thường tìm những hình mẫu quanh mình để noi theo. Đó có thể là cha mẹ, thầy cô giáo - những người hàng ngày tiếp xúc, có sức ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất. Và ngày nay, khi “văn hóa giao thông” với những hành vi căn bản như chấp hành đèn tín hiệu, đi đúng phần đường, quan sát khi chuyển hướng, nhường đường… thường được nhắc đến thì không có sự giáo dục nào hiệu quả hơn là những hành vi đúng đắn của cha mẹ, thầy cô giáo...

Đáng suy ngẫm là tình trạng “lời nói không đi đôi với việc làm” xuất hiện ngày càng nhiều ở những bậc phụ huynh. Đã là cha là mẹ thì ai cũng luôn muốn con mình nên người, trở thành người hữu ích cho xã hội. Thế nhưng, đôi lúc những hành vi của họ đã đi ngược lại với cách giáo dục con cái của mình. Trong phạm vi bài viết, chỉ xin đề cập đến vấn đề “văn hóa giao thông”. Ví dụ như, vào giờ tan ca, vừa phải vội vã rước con rồi tất tả đi chợ nấu ăn, nhiều phụ huynh đã không ngần ngại khi dừng xe dưới lòng đường, để trẻ ngồi trên xế rồi “í ới” mua bó rau, con cá… Hay khi đèn vàng vừa bật lên, thay vì kiên nhẫn đợi thêm vài giây nữa, nhiều phụ huynh đã chọn cách nhấn ga cho xe chạy nhanh hơn để kịp đến bên kia đường trước khi đèn chuyển sang màu đỏ. Thậm chí, trong lúc bực dọc vì va quẹt xe, người lớn “quên” mất con trẻ đang ở đó và đã nghe hết những lời lẽ “hay ho” mà cha mẹ dùng để “ăn thua” với đối phương…

Đó là những câu chuyện ngoài xã hội, còn ở trong học đường, tình hình cũng không “sáng sủa” hơn là mấy. Một người bạn của tôi (hiện là giảng viên của một trường đại học) đã tế nhị dùng những câu chuyện thường ngày để điều chỉnh ý thức chấp hành Luật Giao thông cho sinh viên của mình, trong đó có lời khuyên: “Các em cố gắng kiên nhẫn đợi vài giây để đèn tín hiệu giao thông bật xanh rồi hãy lưu thông để đảm bảo an toàn, đừng bao giờ vượt đèn đỏ nhé!”. Thế nhưng, sau câu nói đó, bạn tôi… ngã ngửa vì sự phản ứng gay gắt của học trò mình. Không phải các em tìm lý do để giải thích, biện minh cho bản thân, mà chỉ kể lại cho giảng viên nghe những lần các em vô tình đi phía sau xe và chứng kiến được trưởng bộ môn, trưởng khoa đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ… Trong khi nếu sinh viên là người vi phạm Luật Giao thông, thì chính những thầy cô này sẽ là người phê phán các em trước lớp, trước trường. Người lớn, cha mẹ, thầy cô giáo một khi đã không chấp hành đúng luật thì không thể nào dạy bảo được con cái, học trò. Thậm chí, chính những hành động ấy của người lớn sẽ hằn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống và trở thành tấm gương xấu cho những hành vi sai trái của trẻ về sau.

Do vậy, để thực hiện văn hóa giao thông, người lớn - hãy làm tấm gương cho trẻ!

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)